Ảnh minh họa/ hanoi.gov.vn.
Thế nhưng, theo sự phản ảnh của người dân và báo chí, kỷ cương hành chính mới chuyển biến tích cực ở các cơ quan hành chính cấp trên, còn ở một số bộ máy hành chính gần dân vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét. Tình trạng công chức, viên chức năng lực yếu kém, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn còn. Nhiều công chức, viên chức tỏ ra "ngoan hiền", ôm máy tính suốt ngày, nhưng là để… chơi điện tử, buôn bán hàng trên mạng. Đặc biệt, vẫn còn công chức sách nhiễu, cố tình ngâm hồ sơ để người dân và doanh nghiệp buộc phải “lót tay”, quà cáp mới giải quyết. Cùng với đó là tình trạng kỷ luật lao động lỏng lẻo, hiện tượng đi muộn, về sớm...
Nhiều cơ quan đã có quy định cấm uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, nhưng nếu dạo quanh các quán nhậu từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược thì sẽ thấy, chỗ nào cũng kẹt cứng người vào buổi trưa, trong số đó có không ít cán bộ, công chức, viên chức, tranh thủ giờ nghỉ trưa để “nhậu”.
Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với một số bộ, ngành kiểm tra việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ra Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Qua đó, có thể thấy quyết tâm lớn của người đứng đầu Chính phủ trong việc thắt chặt lại kỷ cương hành chính, yếu tố tiên quyết để bảo đảm việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.
Trong Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Sự chỉ đạo cương quyết của Thủ tướng Chính phủ để siết chặt kỷ cương hành chính, đáp ứng sự mong đợi của người dân. Tuy nhiên, để Chỉ thị của Thủ tướng được bộ máy hành chính ở cơ sở và từng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện có hiệu quả, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan hành chính trong chỉ đạo, điều hành. Cần thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát từ nhân dân; về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Trước đây, ở những cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công thường có cuốn sổ góp ý để người quản lý hằng ngày dựa vào đó mà tiếp thu, biết được công việc bị ách tắc, chậm trễ ở đâu, do ai... từ đó điều chỉnh sao cho bộ máy hoạt động đúng quy trình, hiệu quả. Nên chăng, cần tăng cường cách làm này. Cùng với đó, cần công khai các địa chỉ thư điện tử, các số điện thoại “nóng” để mọi người dân đều có thể giám sát, góp ý với cung cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
ĐỖ PHÚ THỌ