Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ TNGT thảm khốc chính là việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Điều hết sức phi lý là nguyên nhân này dù đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng dường như chưa có phương thức hữu hiệu để ngăn chặn, thay đổi.

Tấm biển cảnh báo về nạn uống rượu bia khi lái xe tại TP Tuyên Quang. Ảnh minh họa/nguồn internet. 
Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đang là một trong những “thiên đường” của rượu bia, với mức độ sử dụng ngày càng tăng. Trong khi đó, có tới 70% số vụ TNGT tại Việt Nam có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia, chủ yếu là nam giới. Những đối tượng gây ra tai nạn, đồng thời cũng là nạn nhân, thường trong độ tuổi 25-40 tuổi. Họ là trụ cột trong gia đình, là lực lượng lao động chính của đất nước. Thế nhưng, vì gây TNGT sau khi say rượu bia, họ từ chỗ là người gánh vác, bỗng trở thành gánh nặng. Chưa có một con số cụ thể, nhưng ước tính hằng năm, chi phí từ ngân sách Nhà nước và xã hội bỏ ra để khắc phục hậu quả TNGT do lạm dụng rượu, bia lớn hơn rất nhiều so với kinh phí đóng góp từ ngành đồ uống có cồn.  

Cái cảnh cánh đàn ông, sau khi nhậu “quắc cần câu” vẫn loạng choạng trèo lên xe gắn máy, chui vào xe ô tô để lái về nhà đã là chuyện quá bình thường trong xã hội ta. Ai can ngăn thì họ thường gạt đi và nói: “Tớ đã say đâu...”. Hôm sau tỉnh rượu, có thể họ không nhớ nổi vì sao mình có thể đi xe về được nhà, và lại còn tự khâm phục mình giỏi. Dường như, việc kiểm soát nồng độ cồn đối với người lái xe của lực lượng chức năng ở nước ta chưa thật sự quyết liệt. Một thời gian thấy rộ lên thông tin cảnh sát giao thông sẽ đặt các trạm kiểm soát nồng độ cồn gần các quán bia, quán rượu. Nhưng sau đó cũng không thấy thông tin phản hồi xem cách làm này được triển khai ra sao, có hiệu quả không.

Và hơn nữa, luật pháp của ta xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe còn chưa đủ tính răn đe, nên khiến các "anh hùng xa lộ" đang nhờn mặt. Ở nước ta, mức phạt cao nhất cho hành vi trên đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ là 18 triệu đồng. Trong khi ở nhiều quốc gia ngay trong khu vực châu Á, người đã sử dụng rượu, bia mà vẫn cố tình lái xe, nếu bị phát hiện thì có thể sẽ bị phạt tù. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nâng chế tài xử phạt, phải đưa hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe vào Bộ luật Hình sự thì mới đủ sức răn đe. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền và vận động người dân không lái xe sau khi đã uống rượu, bia. Phải để cả xã hội nhận thức rằng, hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia là hành vi thiếu văn hóa và tiềm ẩn tội ác.

Đằng trước và đằng sau tay lái, vô lăng đều là những cuộc đời, là số phận của những gia đình, là bình yên của xã hội. Hãy đừng rẻ rúng sự sống, đừng tự xóa đi hạnh phúc bằng những chầu nhậu rồi ra về lất khất sau tay lái. 

TRẦN MINH