QĐND - Sao những đàn chim nỡ bỏ ta đi? Câu hỏi ấy đến với tôi trong một lần về quê ở đất Tiên Du, Bắc Ninh để ăn mừng ngôi nhà ngói mới xây của một người họ hàng. Nhà ngói, sân xi măng, các công trình phụ xây trên đất trước kia là rặng tre và mấy cây vải, bồ đào.. "Tu hú là chú bồ các, bồ các là bác chim ri...". Câu ca ấy tuổi thơ chúng tôi thường liến láu đọc cho nhau trong những ngày nghỉ hè được về quê. Câu ấy gắn với những cảnh chào mào, sáo sậu, chim sẻ... ríu ran mỗi bình minh, những đàn cò lóe chóe cãi nhau khi hoàng hôn trên những cành cây. Nhà ngói, nhà tầng chẳng cần tre nữa, dân cư sinh sôi, đất vườn thu nhỏ lại hoặc cũng chẳng còn để trồng cây; thay vì cây lấy gỗ, cây ăn quả, lấy bóng mát là vài chậu cây cảnh hay hòn non bộ để ở góc sân.
Ít năm sau, làng Bịu (xã Liên Bão) ở gần làng Ném (xã Khắc Niệm) quê tôi cũng mất đi cái tên "làng cò" nổi tiếng bao đời miền Kinh Bắc. Những cánh đồng làng Ném, làng Bịu nay cũng không còn một bóng chim, ngay cả cá, tôm, cua, ếch cũng biến mất. Mương nước thủy nông ngang dọc chỉ rặt một loài ốc bươu vàng.
Rồi một ngày, quê ngoại tôi ở Phú Thọ, vùng "rừng cọ đồi chè" cũng chẳng còn tiếng chim. Rồi một ngày, những miền rừng biên giới phía Bắc, phía Tây tôi hay đến bóng chim cứ thưa dần...
 |
Tàn phá rừng khiến môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng. Ảnh minh họa. Nguồn: kinhtenongthon.com.vn. |
Đi trong các đồi chè quê mình, quê bạn, đâu cũng thấy những vỏ bao thuốc trừ sâu vứt bên gốc cây, góc vườn. "Bây giờ trồng cây gì cũng phải phun (thuốc) chú ạ" - Một chị nông dân ở Nghệ An nói y như những người dân quê tôi.
Tháng ba vừa rồi, tôi qua Buôn Jun, huyện Lăk và Bản Đôn, huyện Buôn Đôn của Đắc Lắc, nhìn những đàn voi mệt nhọc chở khách du lịch lội qua suối mà chẳng thấy vui. Đàn voi cứ giảm dần mà chưa ai tìm ra cách gì cho chúng sinh sản. Tháng ba, lại nghe tin ở miệt sông Giang Thành, Kiên Giang thêm một đàn chim bỏ đi khỏi một khu rừng xưa. Tôi nhớ, nhiều bà con ở đây kể rằng, nghề của họ là trồng lúa nhưng họ không ăn gạo từ lúa mình trồng mà mua của vùng khác, kể cả từ nước bạn Cam-pu-chia.
Vì cuộc sống con người mà phải tàn phá rừng, hủy hoại, gây ô nhiễm môi trường, phải bắt con vật phục vụ mình, bắt chim, thú nhốt trong lồng, trong chuồng để mua vui, trưng treo chim, thú rừng như đặc sản chén chú, chén anh... Cái gì cũng phun, cũng bón những chất hóa học thì đất cũng hỏng đi và rồi rau quả, lúa gạo, thịt, cá đậm chất kích thích, bảo quản, đã và đang vào bữa ăn mỗi nhà... Cứ vòng luẩn quẩn cuối cùng gây hại, gây họa cho chính con người. Cùng với sự thua thiệt nhiều lẽ của người nông dân, nỗi đau của một đất nước nông nghiệp, của một lề lối nuôi trồng chưa phát triển, chưa khoa học mà mới chỉ lo về số lượng là đây, nặng lắm.
Cũng như bao người, tôi chăm chú theo dõi những thước phim kể về những người vất vả lội núi, trèo đèo đi tìm hiểu, nghiên cứu rừng cùng các loài chim, thú, những người chăm cho rùa đẻ. Tôi chia vui với những bà, những chị vãi cơm, vãi thóc ra hiên nhà cho lũ chim se sẻ ở nội đô cùng những người nuôi cò trong vườn nhà, bảo vệ, chăm sóc cho các tràm chim, suối cá tự nhiên trên quê hương mình. Tôi chia vui với những doanh trại quân đội kiên trì trồng cây để đến ngày hái quả, có hoa trái và có cả đàn chim tụ về. Tôi chia sẻ với tuyên bố quyết liệt sẽ xin từ chức nếu xây thủy điện giữa rừng cấm của một giám đốc rừng quốc gia ở Tây Nguyên... Nhưng đấy là những việc có ích đơn lẻ của các nhà khoa học, của những người thiện tâm tự trọng. Tại sao những việc lớn như bảo vệ các rừng quốc gia, khu sinh quyển, giữ gìn sông, hồ không nghiêm, không có phương sách hữu hiệu hơn? Tại sao những doanh nghiệp làm thủy điện, phá rừng không trồng lại theo cam kết, không bị xử lý, bồi thường?... Tại sao những làng xã đang xây dựng nông thôn mới làm được nhiều đường, nhiều nhà mới mà hồ ao, mương nước, cánh đồng bị đủ thứ chất thải làm ô nhiễm?
Sự trả giá cho môi trường đã lớn lắm nhưng lời giải còn lớn, còn khó hơn bội phần. Lớn lắm mà cũng chi ly lắm. Cần phải có phương án môi trường trong mọi tính toán của Nhà nước và mỗi người dân. Làm sao để những Việt GAP, Global GAP trở thành phổ biến. Làm sao để những việc thiện nguyện, tốt lành với môi trường trở thành những làn sóng xã hội không ngừng nghỉ. Làm sao để nhận thức và hành động bảo vệ môi trường trở thành ý chí, tình cảm, trở thành sức mạnh cách mạng trong mỗi người dân. Đó là trách nhiệm, là tình yêu quê hương, đất nước, hạnh phúc mỗi nhà là bền vững núi sông.
MẠNH HÙNG