Mùa thu cũng là mùa cưới, mùa của các hoạt động thể thao, của các giải đấu bóng đá trẻ và tuyển quốc gia. Mùa thu văn hóa, nghệ thuật thể thao từ Thủ đô Hà Nội lan đến Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố. Thu này, miền Trung lũ dữ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật khơi mở tấm lòng yêu thương gắn bó của cả nước với bà con gặp khó khăn hoạn nạn.
Xuân Thu nhị kỳ, lễ hội truyền thống gắn với mùa nông nhàn. Khi nông lịch thay đổi do dân ta ngày càng chủ động hơn trong thủy lợi tưới tiêu và giống lúa, giống cây trồng vụ đông những ngày nông nhàn mùa thu ít đi, các lễ hội cổ truyền mùa thu cũng theo đó giảm dần. Cùng với đổi thay trong mùa vụ nông nghiệp là quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh mà đời sống đô thị không thể thiếu các sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tất nhiên mùa thu rộn rã hội đám Hà Nội không đột ngột ra đời. Trong những năm dài mất nước, những làn sóng văn hóa nghệ thuật nổi lên như sự khẳng định bản sắc và sức sống dân tộc. Trong kháng chiến mới đây là “Tiếng hát át tiếng bom”, là “Mùa thu âm nhạc” với những đêm diễn xen giữa những đợt báo động máy bay địch. Nhớ lời Nguyễn Trãi “Hòa bình là gốc của nhạc, hãy làm cho thôn cùng xóm vắng không còn tiếng kêu than oán thán”. Đất nước thanh bình, yên ổn, ấm no. Văn hóa, nghệ thuật từng bước phát triển và nở rộ như hiện nay là điều tất yếu.
Ngày nay, nếu như mùa xuân chủ yếu là lễ hội truyền thống trên các vùng nông thôn, miền núi thì mùa thu là các hội đám hiện đại diễn ra ở các thành phố. Hội sách, triển lãm, hội chợ các loại, lễ hội áo dài, trình diễn thời trang, thi hoa hậu, hoa khôi, liên hoan phim, sân khấu, âm nhạc, hội diễn, hội thi, giao lưu điển hình tiên tiến… của các lứa tuổi, các giới. Cùng đó là ngày hội văn hóa các dân tộc, các cuộc thi liên hoan nghệ thuật truyền thống. Và hội đám mùa thu còn nối tiếp đến những kỷ niệm trong tháng 12 cho đến hết Tết dương lịch trước khi vào tháng bận bịu lo toan cho Tết cả âm lịch và lễ hội mùa xuân.
Nếu như trong một thời gian dài, chúng ta từng lúng túng trong tổ chức các lễ hội hiện đại để xảy ra việc phô trương hình thức tốn kém mà trùng lặp, nhạt thì lễ hội đình đám hiện đại mùa thu hiện nay đã bớt được đi nhiều phần những hạn chế đó. Người ta chú ý đến nhu cầu của người tham dự nhiều hơn. Hội sách là vì người đến đọc mua. Hội ẩm thực, chợ quê nhắm tới khách hội. Đến đám rước Trung thu cũng được đổi mới như thử nghiệm và thi làm đèn, làm mặt nạ… hay rước các mô hình sinh động trên xe ô tô như ở thành phố Tuyên Quang. Hay lễ hội lân-sư-rồng trên đường Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) cũng có sự tương tác và tham dự của người dân. Họ được thử vào vai ông Địa, thử đội đầu lân-sư, đánh trống, đánh phòng. Trong liên hoan phim, trong các cuộc thi âm nhạc nay cũng có sự tham gia giao lưu, bình phẩm hay chấm điểm các khán giả. Còn nhiều đặc điểm, nhiều cái mới trong hội đám mùa thu. Đó là sự đan xen, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa trong nước và quốc tế.
Và điều đáng ghi nhận nữa là ít nhất cho đến lúc này, các hoạt động lễ hội đám mùa thu chưa bị lợi dụng làm méo mó, biến tướng. Đương nhiên không thể vì thế mà lơi lỏng mặc ai nấy làm. Việc xây dựng kế hoạch chặt chẽ tổ chức các hoạt động, không tập trung quá đông vào một điểm và rải ra theo lịch trình hợp lý như thời gian qua là một kinh nghiệm tốt để tránh quá tải. Cũng có một băn khoăn khác là hội đám mới chủ yếu diễn ra nơi các đô thị lớn. Mỗi nơi mỗi kỳ mỗi vẻ là vậy và hãy hy vọng rằng, những gì là đẹp là hay sẽ có khả năng tỏa lan. Hội sách giờ đã đến với các tỉnh xa, ca nhạc, sân khấu, triển lãm, hội chợ cũng vậy.
Hội đám nhiều và bổ ích là dân được thêm vui, thêm hiểu biết, là khách du lịch được trải nghiệm văn hóa Việt Nam, là mảnh đất tốt nảy nở, vun trồng những sáng tạo văn hóa nghệ thuật mới. Những tuyến phố đi bộ, những công viên, vườn hoa cùng những chính sách đẩy mạnh văn hóa, nghệ thuật và du lịch hậu thuẫn, mở đường cho những điều đó.
MẠNH HÙNG