Những năm trước đây, việc thực hiện môn học được các nhà trường tiến hành khá đa dạng, với hình thức phổ biến là tổ chức dạy học tập trung vào đầu hoặc cuối năm học. Giáo viên cũng nhiều thành phần, cả cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị quân đội, cả giảng viên biệt phái, cả giáo viên giáo dục quốc phòng hoặc giáo dục thể chất của các nhà trường. Vì đa dạng về hình thức, giáo viên lại không đồng đều nên môn học dễ mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Những năm gần đây, với sự nỗ lực của ngành giáo dục-đào tạo và có sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ Quốc phòng nên việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục quốc phòng đã được tiến hành khá bài bản. Hầu hết các nhà trường công lập đều đã có giáo viên chuyên trách và có tỷ lệ cao hơn hẳn các trường dân lập hoặc bán công. Nhờ có lực lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng bước yêu cầu các trường dạy rải môn học trong cả năm học, nghĩa là môn học Giáo dục quốc phòng-an ninh được đặt vị trí ngang bằng với các môn học khác. Nhưng việc này không phải trường nào cũng làm được, mà vẫn có không ít trường dạy dồn vào dịp đầu năm theo cách làm như trước đây. Cũng có một số trường phối hợp với đơn vị quân đội, rồi đưa toàn bộ học sinh vào đơn vị học tập, hệt như một khóa học kỳ quân đội. Việc dạy tập trung tuy có tạo ra hiệu quả tức thì, nhưng sau đó kiến thức dễ rơi rớt và đến cuối năm thì hầu như “chữ thầy” hoàn toàn “trả thầy”. Vì vậy việc dạy rải môn học cho đến nay vẫn là cách làm tối ưu.
Việc dạy rải môn học Giáo dục quốc phòng-an ninh mục đích là vừa truyền tải cho học sinh kiến thức về môn học theo phương pháp dần-đều, vừa tạo cơ hội cho các em được rèn luyện thường xuyên, liên tục. Vì thế trong các nhà trường, khi triển khai môn học phải chú trọng đến việc rèn luyện tác phong cho học sinh. Hiện nay, nhiều giáo viên chưa chú ý đến khía cạnh này mà chỉ tập trung vào truyền tải kiến thức theo giáo trình, nên môn học thường xuyên rơi vào tình trạng khô cứng, nhàm chán. Sở dĩ có tình trạng trên một phần do đội ngũ giáo viên còn thiếu về lực lượng, yếu về kinh nghiệm, phương pháp quân sự, hoặc còn hổng về kiến thức quốc phòng-an ninh và một phần khác là do cơ sở vật chất thiếu thốn. Khắc phục vấn đề trên là trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo từ Bộ cho đến các sở. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các sở, các cơ quan thuộc quyền tăng cường thêm các lớp tập huấn kỹ năng tổ chức giảng dạy môn học cho giáo viên, đồng thời không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện của môn học. Các nhà trường cần chủ động liên hệ với các cơ sở, di tích lịch sử, nhất là lịch sử quân sự, các đơn vị quân đội để tạo ra các buổi học ngoại khóa cho học sinh. Đã có nhiều nhà trường liên hệ mời các anh hùng, các cựu chiến binh… đến nói chuyện truyền thống, kể chuyện kinh nghiệm sống, chiến đấu trong chiến trường và tạo ra hiệu ứng rất tốt, học sinh dễ tiếp thu kiến thức.
Giáo dục cho học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước có kiến thức toàn diện, có lòng yêu nước, sẵn sàng phục vụ Tổ quốc là một nhiệm vụ lớn lao, trường kỳ, nhưng lại bắt đầu bằng chính những buổi học trong các nhà trường. Trong đó môn học Giáo dục quốc phòng-an ninh có sự đóng góp không nhỏ để rèn luyện các học sinh dần có tác phong quân sự, một yếu tố rất cần thiết để hình thành tác phong của con người lao động trong xã hội hiện đại. Vì thế các nhà trường, các thầy, cô giáo đảm nhiệm dạy môn học này cần xem xét lại cách tổ chức học tập, cách truyền đạt kiến thức để sao cho khi giảng dạy học sinh dần đạt được hai yếu tố, đó là có lòng yêu nước, yêu Tổ quốc và có kỹ năng, tác phong của con người hiện đại.
TRẦN VŨ