 |
Anh Nguyễn Công Hùng có một nghị lực phi thường khiến cho bao người bình thường khác phải nể phục. Nguồn: Internet |
QĐND Online – Trong cuộc sống, có lúc nào chúng ta phải đối mặt với những hoàn cảnh tuyệt vọng, cùng cực? Có lúc nào chúng ta cảm thấy chán nản, mệt mỏi? Ai trong số đó vượt qua và ai gục ngã? Tất cả điều đó chỉ khác nhau ở chữ “nghị lực” trong mỗi con người.
Mới đây, hàng loạt vụ vỡ nợ dây chuyền đã diễn ra và trong số đó, có những “chủ nợ”, “đại gia” một thời đạo mạo, vinh hoa phải tìm đến cái chết bi thảm. Xa hơn một chút, có những học sinh không vượt qua được kỳ thi cũng dại dột lìa bỏ cuộc đời… Những cái chết kiểu đó thể hiện lối sống không có bản lĩnh, buông xuôi số phận. Đó là những con người quen với lối sống được bao bọc, thiếu rèn luyện. Họ dễ trở nên yếu mềm và buông xuôi cho số phận, không thể vượt qua sóng gió cuộc đời…
Thế nhưng, ngược lại mẫu người yếu hèn ấy, có những tấm gương tràn đầy nghị lực sống, biết vượt qua số phận, hoàn cảnh nghiệt ngã một cách đáng khâm phục. Đó là cô gái mắc căn bệnh “xương thủy tinh” Nguyễn Phương Thúy. Căn bệnh quái ác khiến cô có thể bị thể bị gẫy tay, chân bất cứ lúc nào khi có một va chạm nhẹ. Là một cô giáo ở Hà Tĩnh, vô tình mắc căn bệnh thế kỷ AIDS, tưởng như khi mọi cánh cửa đóng sập lại trước mặt, niều tin sụp đổ sẽ khiến cô chết dần đi giữa những suy nghĩ của chính mình nhưng chính lúc đó, cô đã đã tìm cách vượt qua nỗi đau để những ngày còn lại trong cuộc đời là những ngày tươi sáng.
Có thể thấy cách ứng phó với cuộc sống thể hiện kỹ năng sống của mỗi con người. Kỹ năng đó phải được tích lũy, rèn luyện qua năm tháng chứ không thể tự nhiên có ngay được. Gương sáng chàng “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Công Hùng nói chung và của nhiều người khuyết tật vượt qua những hoàn cảnh khác là những ví dụ điển hình. Họ có thể bị khuyết tật về thể hình nhưng nghị lực sống và niềm tin vào cuộc sống của họ thì thật tuyệt vời.
Chúng ta cũng vậy, nếu không tự rèn luyện ngay từ tấm bé và thường xuyên bồi bổ thì sẽ không có đủ nghị lực, niềm tin đối mặt với thử thách trong cuộc sống. Chúng ta phải học cách đi trên “đôi chân” của chính mình và đứng dậy trước mỗi thất bại bởi sẽ thật dễ nản chí khi mọi việc việc trở nên tồi tệ. Có ích gì khi ta nằm xuống và than vãn, thay vì đứng dậy và cố gắng. Thất bại thì đã sao? Một lần, hai lần, thậm chí là nhiều lần, cuộc sống sẽ thiếu đi ý nghĩa nếu không có thất bại, và thật sự kết thúc khi ta đầu hàng, không đứng dậy nữa.
Không phải ngẫu nhiên người xưa có câu “Thất bại là mẹ thành công”. Như vậy cho dù phải đối mặt với nhiều gian khổ, chỉ cần con người vẫn giữ vững niềm tin, đối mặt với nghịch cảnh, một sức mạnh tiềm ẩn sẽ xuất hiện giúp họ vượt qua.
“Mỗi ngày trôi đi lại thêm một trang đời viết dở, nhưng trang đời ấy được viết bằng màu mực như thế nào mới là điều quan trọng”. “Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng”. Những hình ảnh đúc kết này phải được thẩm thấu, ngấm dần và được tôi luyện trong cuộc sống.
Thu Hà