Điều đáng nói là mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống từ chuyện lập lại trật tự văn minh đô thị ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, đến trách nhiệm, thái độ của một số giáo viên Trường Tiểu Học Nam Trung Yên (Hà Nội); từ chuyện giá trị tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương, đến vệt nước có màu đỏ ở Hà Tĩnh... cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ các cấp đều nhanh chóng vào cuộc, tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân dân.
Lực lượng trật tự đô thị tại TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng công an kiểm tra, xử lý xe vi phạm. Ảnh minh họa/sggp.org.vn.
Những vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường nhật, hoặc duy trì kỷ luật, kỷ cương là trách nhiệm, nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. “Cán bộ là công bộc của nhân dân”. Và khi đã là trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức thì sẽ chẳng còn điều gì đáng bàn, đáng nói. Tuy nhiên, trước thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức không làm hết trách nhiệm của mình đối với công việc, đối với bổn phận trước Đảng, trước nhân dân và dân tộc, thì trở thành sự bất thường trong đời sống xã hội là lẽ đương nhiên. Điều nguy hại hơn là tình trạng trên đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ và cho dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều biện pháp nhưng những hiện tượng đó vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn có mặt, có việc, có vấn đề còn nghiêm trọng hơn, diễn biến phức tạp hơn, thủ đoạn tinh vi hơn. Tình trạng buông lỏng quản lý của đội ngũ cán bộ; chất lượng, hiệu quả công tác không cao của công chức, viên chức, tư tưởng vụ lợi, cục bộ, lợi ích nhóm... xảy ra như thời gian qua không những gây bức xúc trong đời sống xã hội, hạn chế sự phát triển của đất nước, mà còn là mầm mống đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của chế độ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Nhìn thấy rõ nguyên nhân và cũng đã có những tín hiệu tích cực từ thực tiễn cuộc sống, vấn đề quan trọng và cần được phát huy phụ thuộc rất lớn vào ý chí quyết tâm và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cả trong Đảng và trong hệ thống chính trị. Quyết tâm và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải được thể hiện cả trong nhận thức và hành động, hướng đến mục đích duy nhất và cao nhất: Phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Thực tiễn minh chứng, nếu suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mà mục đích và động cơ không trong sáng; không vì lợi ích cho quốc gia, dân tộc, không phục vụ nhân dân thì sẽ là rất nguy hại. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ nêu rõ 27 biểu hiện rất cụ thể trên 3 vấn đề và đều liên quan trực tiếp đến phẩm chất, đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà còn chỉ rõ: Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của nhân dân, phục vụ nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đây vừa là mục tiêu, yêu cầu, vừa là đòi hỏi bức thiết đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng hiện nay.
Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải có quyết tâm chính trị cao; thấy rõ trách nhiệm của mỗi người đối với nhân dân, đối với dân tộc. Và những tín hiệu từ đời sống thực tế thời gian qua cho thấy, quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, phòng, chống tham nhũng... đang từng bước trở thành hiện thực.
LÊ LONG KHÁNH