Những ngày cận Tết Nguyên đán, hiểm họa cháy nổ trở thành nỗi lo thường trực của mọi cấp, mọi nhà. Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 1-2024 đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó có một số vụ gây hậu quả nghiêm trọng, như vụ cháy phòng trọ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai ngày 9-1 làm 3 người chết; vụ cháy xảy ra tại phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) vào sáng 15-1 làm 4 người chết và mới đây là vụ nổ trên sông Cửa Lớn, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau ngày 17-1 làm 3 người mất tích...

Những vụ việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn do cháy nổ gây ra. Đừng để cháy nổ xảy ra nữa vì thật xót xa và thương cảm cho những phận người không may gặp nạn. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: anninhthudo.vn

Dịp Tết Nguyên đán, thời tiết trên cả nước thường hanh khô. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, vui chơi giải trí, tín ngưỡng... diễn ra sôi động. Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường tập kết hàng hóa với số lượng lớn. Bên cạnh đó, hoạt động nấu nướng, đốt vàng mã, thắp hương, thắp đèn, sử dụng các thiết bị điện và nhiên liệu như xăng, dầu tăng cao, dẫn tới quá tải, rất dễ xảy ra sự cố cháy nổ. 

Phòng, chống cháy nổ dịp Tết Nguyên đán luôn là nhiệm vụ quan trọng. Tại Công điện số 5/CĐ-TTg ngày 15-1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho người dân và các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình và mỗi người dân cần chấp hành nghiêm nội quy, quy định phòng cháy, chữa cháy; sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng; xây dựng phương án chữa cháy hiệu quả; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã; trang bị phương tiện cảnh báo cháy sớm, báo rò rỉ khí gas, bình chữa cháy xách tay, xà beng, nước chữa cháy và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng; chuẩn bị và thực hành phương án thoát nạn cho người, tài sản khi có cháy nổ...

Từ xa xưa, cha ông ta đã ví “nhất thủy, nhì hỏa”, ý nói sức hủy hoại ghê gớm của lũ lụt và hỏa hoạn. Trong dịp Tết, tần suất các hoạt động tăng, chỉ cần một chút bất cẩn, chủ quan, thiếu ý thức là "bà hỏa" có thể ập đến và gây ra những hậu quả khôn lường. Do đó, bên cạnh “lo Tết” thì mỗi cơ quan, doanh nghiệp, gia đình cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm những ngày Tết thực sự vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.