Cần khẳng định rằng, năm vừa qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng được chú trọng, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều tiến bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội được xây dựng đồng bộ, ngày càng hoàn thiện và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 đã góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, chuyển biến tích cực đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém cần được khắc phục. Đó là việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực; việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước vẫn còn biểu hiện lãng phí; việc quản lý đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước hiệu quả chưa cao...
Năm 2016, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiến nghị xử lý tài chính 16.742,5 tỷ đồng, trong đó phát hiện 28.800 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ theo quy định. Có những địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh gây lãng phí và tốn kém, như tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng mua quà tặng dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống… Đó là những ví dụ cụ thể nhất cho thấy những tồn tại trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục triệt để.
Để chấm dứt tình trạng lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước, việc cần làm là phải bảo đảm để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực thi một cách nghiêm túc trong thực tế. Muốn vậy, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực hiện luật này, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, mua sắm và sử dụng tài sản công. Có ý kiến góp ý rằng, Quốc hội nên bố trí thời gian tại một kỳ họp trong năm để thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ trong thực hiện luật, thay vì chỉ gửi báo cáo để đại biểu nghiên cứu như đang làm.
Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn liền với hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, tập trung rà soát lại bộ máy quản lý Nhà nước, bám sát quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động quản lý Nhà nước, đặc biệt là cần đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Chính phủ, chính quyền điện tử để đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng hiệu quả xử lý việc công.
Quan trọng nhất là cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đi liền với đó là thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân làm tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ được hạn chế tối đa, qua đó tiết kiệm được nguồn lực rất lớn phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.
THÙY LÂM