Không chỉ là trước mắt mà nhìn lại một quá trình dài bước vào thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta đã bộc lộ những yếu kém, hạn chế trong tổ chức quản lý nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều dự án đầu tư trong cả các mục tiêu phát triển lẫn chi tiêu thường xuyên. Tình trạng đó còn thể hiện rất rõ trong nhiều hoạt động của đời sống trên nhiều lĩnh vực ở cả cấp độ Nhà nước đến các địa phương, cơ sở thiếu hiệu quả, lãng phí tràn lan gây thiệt hại nặng nề không chỉ đối với tăng trưởng kinh tế mà cả đời sống xã hội. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/nguồn internet.
Để khắc phục tình hình đáng lo ngại này phải thực hiện rất nhiều công việc, trong đó tiết kiệm phải thực sự là quốc sách, phải là cơ sở trước hết để đánh giá mọi công việc, mọi dự án. Thật đau lòng khi những “công trình ngàn tỷ” được đầu tư trong thời gian qua không những không trở thành trọng lực thúc đẩy kinh tế, mà còn là món nợ lớn cho đất nước. Cùng với đó là những tập đoàn thua lỗ lớn, những khu nhà hành chính tập trung đã không phát huy được công năng mà còn tác động xấu đến sức khỏe của người làm việc bên trong, là hàng trăm công trình thủy điện công suất thấp gây hại cho môi trường tự nhiên và xã hội. Trong phục vụ dân sinh là những khu đô thị, khu tái định cư không người ở, khu chợ không người bán mua, những bệnh viện, bệnh xá dở dang, những nhà văn hóa, bảo tàng đóng cửa, những tượng đài xấu chỏng chơ, những công viên vắng vẻ…

Nguyên nhân của những lãng phí tràn lan đó đến từ đâu nếu như không phải là cơ chế, hệ thống ra quyết định của chúng ta có vấn đề? Từ chủ trương đầu tư đến nắm bắt nhu cầu và thị trường, khảo sát thực địa, khảo sát xã hội đến việc xét duyệt cấp phép và kiểm tra, kiểm soát quá trình thi công, lắp đặt, vận hành… Bài học xương máu về cách làm thiếu khoa học, phi kinh tế, về hiểu biết thị trường, quản lý dự án, quản trị kinh doanh cần phải được soi xét thấu đáo. Đi cùng với những công trình, dự án thua lỗ là căn bệnh tắc trách của những cơ quan, con người có trách nhiệm, là căn bệnh ỷ lại, trông chờ và ăn bám vào Nhà nước, là tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm.

Không phải bây giờ chúng ta mới nhìn ra những yếu kém trên. Đã có nhiều quyết định dừng và hoãn đầu tư xây dựng những hải cảng, nhà máy, công trình, khu đô thị, không đổ thêm tiền vào những dự án lỗ… Tuy nhiên, những thất bại trong thời gian dài để lại hậu quả không dễ khắc phục, đặc biệt là còn tiềm ẩn trong cách nghĩ, cách làm. Quan trọng là cần có cái nhìn thẳng vào sự thật để xây dựng cung cách làm ăn mới khoa học, thiết thực và hiệu quả.

Nếu như bài học ngàn năm của ông cha ta để lại là những lời khuyên răn “ăn dè hà tiện” trong phạm vi gia đình và cá nhân thì giờ đây khi đất nước đã và ngày càng có nhiều hơn những khối tài sản, cơ sở vật chất khổng lồ thì tiết kiệm phải được nâng lên tầm quốc sách. Tiết kiệm phải là nội dung hàng đầu và xuyên suốt mọi hoạt động, mọi cơ cấu của bộ máy Nhà nước và đời sống xã hội. Tiết kiệm từ lớn đến nhỏ và từ nhỏ đến lớn: Lớn là những chương trình, dự án chi phí tốn kém, có sức tác động đáng kể đến kinh tế, đời sống chung trên phạm vi rộng. Nhỏ là những khoản chi phí của Nhà nước, xã hội hay tập thể cho sinh hoạt hay trợ giúp cho tập thể nhỏ hoặc cá nhân. Nhỏ cũng chính là việc tự thân mỗi người dân phải tính toán, chăm lo tích lũy, chi tiêu hợp lý để bảo đảm cuộc sống ổn định cho chính mình và gia đình.

Quốc sách tiết kiệm phải là một cuộc cải cách sâu sắc đòi hỏi quyết tâm chính trị càng cao, pháp lý, chính sách và có cả ý nghĩa của lối sống, đạo đức xã hội. Không biết tiết kiệm, không có phát triển.

NGUYỄN MẠNH