100.000 tỷ đồng là một khoản tiền rất lớn, đặc biệt là trong lúc nền kinh tế còn gặp không ít khó khăn, Chính phủ đang phải tiết kiệm từng đồng ngân sách, cân đối thu chi để bảo đảm hiệu quả nhất. Thế nhưng, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao là một sự đầu tư tối cần thiết của quốc gia, có thể được xem là lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc định hướng, để tạo nguồn cho gói tín dụng nói trên thì không phải trông chờ vào nguồn ngân sách mà các ngân hàng thương mại phải thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tạo nguồn. Có thể cảm nhận được rằng, Chính phủ muốn đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện một cuộc vận động toàn dân trong việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao.
Nói đến kinh tế thị trường là phải nói đến hiệu quả của đồng vốn, hiệu quả của đầu tư. Vướng mắc đầu tiên mà nhiều người có thể sẽ thắc mắc là hiệu quả của việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đó có phải là mảng đầu tư sinh lợi hay không? Liệu có kéo được các ngân hàng thương mại tham gia vào việc này không?
Về lợi nhuận, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao là một mảng đầu tư đầy hứa hẹn. Tôi vừa tới thăm một vườn trồng măng tây công nghệ cao tại Tuyên Quang. Anh chủ vườn cho biết, anh trồng thử nghiệm 1ha măng tây, đầu tư ban đầu là khoảng 400 triệu đồng, ngay năm đầu tiên đã thu khoảng 1,2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận là khoảng 600 triệu đồng. Măng tây từ vườn của anh không có đủ để bán vì nhu cầu của thị trường đối với thực phẩm sạch là rất lớn. Nếu đúng như những gì anh chủ vườn nói thì anh đang có mức siêu lợi nhuận, lên tới 150% so với số vốn bỏ ra ngay trong năm đầu tiên.
Tất nhiên, thành công hay thất bại trong sản xuất, kinh doanh còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là yếu tố thị trường. Về khía cạnh này, có thể thấy rằng, Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu nông nghiệp. Thế nhưng, cho tới nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được một nền sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nông sản xuất khẩu của chúng ta thỉnh thoảng lại bị vướng những rào cản kỹ thuật do các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm từ những thị trường nhập khẩu khó tính. Ở thị trường trong nước, người tiêu dùng nhiều khi vẫn còn bán tín, bán nghi với các sản phẩm trông thì đẹp mắt, nhưng chưa khẳng định được độ an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó là bởi vì công nghệ, quy trình sản xuất nông sản của chúng ta vẫn chưa đạt những tiêu chuẩn tiên tiến nhất. Vì thế, mỗi thương hiệu thực phẩm sạch xuất hiện luôn tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng. Nhìn một cách tổng quát thì những doanh nghiệp làm thực phẩm sạch vừa ra đời đã có ngay một thị trường nội địa gần 100 triệu người.
Hơn nữa, lợi ích trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Sử dụng thực phẩm sạch, chất lượng cao là yêu cầu, vừa để phát triển kinh tế đất nước, vừa để bảo vệ giống nòi. Bất cứ ai, dù ở cương vị nào, trong lĩnh vực nào cũng đều phải sử dụng những bữa ăn hằng ngày. Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch cũng là góp phần để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mỗi người. Nếu nhìn ở khía cạnh đó thì mỗi người trong xã hội đều phải thấy trách nhiệm của mình trong việc đầu tư, ủng hộ việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vì đó là đầu tư cho tương lai của chính mình!
HỒ QUANG PHƯƠNG