Về điều kiện công tác, cán bộ, sĩ quan, NLĐ trong quân đội thường phải đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ hải quân phải lênh đênh trên biển, dưới tàu ngầm, hoặc đóng quân ở đảo xa, cả năm không về nhà. Có những đồn, trạm biên phòng, những kho vũ khí ở sâu hun hút trong rừng núi, biệt lập với bên ngoài, nếu thời tiết mưa nhiều, đường trơn nhão, xe thông thường không vào được. Về thời gian, những ngành nghề khác có ngày nghỉ, thời gian nghỉ rõ ràng, cụ thể, nhưng đối với các đơn vị quân đội thì luôn trong tư thế SSCĐ 24/24 giờ, không có ngày nghỉ. Việc quân nhân có nhà cách đơn vị chỉ một bờ rào, nhưng đến cả tháng trời không thể về thăm vợ con, bố mẹ vì đơn vị đang ở trạng thái SSCĐ cao không phải là chuyện hiếm. Hơn nữa, NLĐ thông thường thì đổ mồ hôi, công sức cho nhiệm vụ; nhưng cán bộ, chiến sĩ, NLĐ trong quân ngũ còn sẵn sàng đổ máu để hoàn thành nhiệm vụ; luôn phải đối mặt với hiểm nguy từ súng đạn, vũ khí, thuốc nổ...
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn |
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, có nhiều chính sách ưu tiên với những người công tác trong quân ngũ. Điều đó thực sự là nguồn động viên, hỗ trợ quý giá về vật chất và tinh thần cho không chỉ đối với bản thân quân nhân mà còn đối với gia đình của quân nhân, để mỗi cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng pháp luật, có những yếu tố chưa thể lường hết nên khi đưa vào thực hiện đã bộc lộ những bất hợp lý. Cụ thể, một số quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Theo đó, thứ nhất, luật này quy định thời gian lao động nam nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con được tính trong khoảng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con là chưa phù hợp với đặc thù quân sự, NLĐ trong quân đội chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thường xuyên làm nhiệm vụ trực SSCĐ không thể nghỉ việc hưởng chế độ thai sản ngay được. Thứ hai, theo quy định của Luật BHXH, NLĐ phải có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mới được hưởng trợ cấp mai táng phí (trừ trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp). Do đó có nhiều trường hợp (nhất là đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ) hy sinh do ốm đau, tai nạn (rủi ro) trong thời gian làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, được công nhận là liệt sĩ, nhưng lại không được hưởng trợ cấp mai táng phí từ nguồn quỹ BHXH. Thứ ba, với cách tính tăng dần theo lộ trình thời gian tham gia BHXH (bình quân 5 năm cuối, 6 năm cuối, 8 năm cuối, 10 năm cuối, 15 năm cuối, 20 năm cuối và bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian, nếu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi) sẽ làm lương hưu của LLVT thấp hơn nhiều so với trước đây (chỉ tính bình quân 5 năm cuối) do quân nhân có thời gian là học viên, hạ sĩ quan, binh sĩ (có thể từ 7-9 năm) đóng BHXH trên nền mức lương cơ sở.
Những bất cập đó rất cần được nghiên cứu, xem xét để có điều chỉnh, giải pháp hợp lý, để những người đang công tác, cống hiến trong quân ngũ SSCĐ, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, được hưởng một chế độ phù hợp với tính đặc thù công việc.
HỒ QUANG PHƯƠNG