Qua trò chuyện, tôi được biết bạn mới làm thêm “nghề tay trái” môi giới nhà, đất. Bạn cùng vài người góp vốn, thành lập một nhóm môi giới BĐS hoạt động độc lập (không thành lập công ty hoặc sàn giao dịch), vừa tìm mua quyền sử dụng đất của người dân rồi bán lại, vừa môi giới bán nhà, đất cho các sàn giao dịch BĐS hoặc các cá nhân khác để hưởng hoa hồng. “Ở quê đang đô thị hóa nhanh, nhu cầu mua bán nhà, đất tăng cao. Mình chớp thời cơ, không cần phải sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề, cứ môi giới qua mạng xã hội, mỗi tháng bán được vài lô đất cũng sống khỏe”, bạn tôi nói.
Có thể khẳng định, hiện nay ở nhiều địa phương trên cả nước, hoạt động môi giới BĐS độc lập-dân gian gọi là “cò đất”, đang nở rộ!
 |
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Pháp luật hiện hành không cấm hành nghề môi giới BĐS độc lập, tuy nhiên, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này phải tuân thủ những quy định, như: Có chứng chỉ hành nghề; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS... Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ đã tăng mức xử phạt hành chính lên gấp 4 lần so với mức xử phạt trước đây đối với các hành vi vi phạm.
Nhu cầu mua bán BĐS ngày càng tăng và phần lớn các giao dịch đều thông qua môi giới. Thế nhưng, thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ-nếu không muốn nói là hầu hết người hành nghề môi giới BĐS độc lập-lại đang “vô tư” hoạt động với nhiều “không”: Không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng; không có chứng chỉ hành nghề; thậm chí nhiều người không tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp... Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới hàng loạt cơn sốt đất kéo dài, tình trạng bong bóng BĐS ở nhiều địa phương trên cả nước, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ cho nền kinh tế mà cả cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Thị trường BĐS là thị trường đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế-xã hội cũng như tình hình an ninh trật tự. Quản lý hiệu quả thị trường BĐS, trong đó có hoạt động môi giới BĐS là vấn đề đặt ra cấp thiết. Việc tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm của “cò đất” nhằm tăng tính răn đe là cần thiết, nhưng rõ ràng để quản lý tốt hoạt động môi giới BĐS, góp phần đưa thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định thì điều đó là chưa đủ, cần phải có thêm những giải pháp đồng bộ. Không thể để tình trạng hoạt động môi giới BĐS “chui”, mà tất cả người hành nghề môi giới BĐS đều phải được bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Bên cạnh đó, cần phát huy trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các biểu hiện tung tin đồn thất thiệt, “thổi giá”... Trong dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Bộ Xây dựng đề xuất phương án cá nhân hành nghề môi giới BĐS không được hoạt động độc lập như hiện nay mà phải thành lập hoặc làm việc cho một doanh nghiệp, văn phòng môi giới BĐS. Đây là phương án quản lý cần thiết để hạn chế tình trạng loạn “cò đất” như đang diễn ra.
PHƯƠNG HIỀN