Đối tượng tác động chủ yếu của game này là thanh niên. Những ngày qua, fan cuồng Pokemon Go thi nhau post ảnh bắt, ảnh chế Pokemon lên mạng xã hội. Đi đến bất kỳ nơi nào người ta cũng thấy các game thủ dán mắt vào màn hình điện thoại, đi loanh quanh để tìm “bắt” Pokemon và thảo luận về những thủ thuật “tìm bắt” Pokemon, lập PokeStop, Gym (điểm thu thập đồ, kinh nghiệm để tăng cấp độ, huấn luyện Pokemon). Ở Hà Nội, những điểm xuất hiện nhiều Pokemon cũng là những tuyến phố đông người qua lại và cả các trụ sở cơ quan nhà nước.

Có thể nói Pokemon Go là một game thực tế ảo (Virtual Reality) đặc biệt thành công bởi nó có cách chơi đơn giản nhưng thu hút được nhiều người do sự tương tác chặt chẽ giữa thế giới ảo với những gì đang diễn ra trên thực tế thông qua các địa điểm địa lý có thật. Chính thực tế luôn luôn thay đổi, luôn luôn mới lạ đã tạo tâm lý muốn khám phá cho người chơi. Tính tương tác cao giữa người chơi cũng làm tăng mức độ cạnh tranh giữa các game thủ, càng tạo nên sức hút và ham muốn chinh phục.

Một tai nạn nhỏ do mải chơi Pokemon Go. Nguồn QĐND.vn.
Thế nhưng, ứng dụng này cũng đang tạo ra không ít phiền toái cho cộng đồng và cách ứng xử của cộng đồng với Pokemon Go và các trò chơi thực tế ảo mới là điều đáng nói. Đã có tình huống dở khóc dở cười xảy ra. Để tăng cấp độ, bắt được nhiều Pokemon lạ, “độc”, những ngày gần đây đã xuất hiện tình trạng game thủ đi xe máy, xe đạp điện một tay, tay còn lại cầm điện thoại tìm bắt Pokemon trên một số tuyến phố Hà Nội. Khi tới điểm có Pokemon, họ không ngần ngại dừng lại giữa đường để bắt. Hậu quả là đã có tắc đường cục bộ, đã có tai nạn nhỏ do người bắt Pokemon gây ra. Một số nơi tôn nghiêm như Quốc Tử Giám cũng nhốn nháo với những “tay săn” Pokemon. Tệ hơn nữa là trang Webtretho ghi nhận trường hợp phụ huynh cho biết cậu con trai đang học lớp 5 tự ý lấy trộm điện thoại của ông, bà ra ngoài đường tìm bắt Pokemon, rồi bị giật mất điện thoại và ngã xây xát. Đội ngũ Google Map Makers Việt Nam vừa qua cũng đã phải rất vất vả để sàng lọc, xử lý thông tin khi phải tiếp nhận hàng loạt yêu cầu lập địa danh mới, di chuyển địa điểm cũ trên bản đồ tới chỗ mới của các game thủ nhằm bắt nhiều Pokemon, tăng kinh nghiệm chơi. Hành động này có nguy cơ gây mất tính chính xác của bản đồ nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, nghi vấn về lộ, lọt thông tin cá nhân và tổ chức cũng được đặt ra khi ứng dụng này yêu cầu người dùng phải cho quyền truy cập vào camera ghi hình, nhận dạng các hoạt động của thiết bị di động, đọc, ghi, xóa nội dung trên bộ nhớ và truy cập danh bạ của người dùng.

Thiết nghĩ, điều gì cũng có tính hai mặt của nó. Không có gì sai khi giới trẻ đổ xô vào một ứng dụng trò chơi, nhưng cần tỉnh táo để tránh xảy ra tình trạng quá chìm đắm trong “ảo” mà quên đi “thực tế”. Việc đổ lỗi cho trò chơi hay nhà sản xuất là không hợp lý. Sản phẩm game tự nó không có lỗi. Trách nhiệm thuộc về ý thức của người chơi. Đối với học sinh phổ thông, có lẽ vai trò của các bậc phụ huynh là vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị di động của con, em mình và không nên cho con, em mang thiết bị di dộng thông minh ra đường. Đối với các bạn trẻ lớn tuổi hơn, trước khi cài đặt một trò chơi vào thiết bị di động, hãy nghĩ tới những tác động của nó tới tâm lý, công việc, kết quả học tập của mình và cả những người xung quanh. Quan trọng hơn là người chơi cần cân nhắc xem mình có đủ khả năng tự kiểm soát hành vi khi chơi game hay không và đặt ra quy tắc chơi game cho bản thân để hạn chế mặt trái của nó. Ứng xử theo cách đó, chúng ta sẽ bớt phải lo ngại về tác động tiêu cực của bất cứ một ứng dụng trò chơi thực tế ảo nào chứ không chỉ một Pokemon Go như những gì đang diễn ra trong những ngày vừa qua.

HỮU DƯƠNG