Tại Hà Nội, ngày 17-1 vừa qua, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành nhằm cải thiện thứ hạng Chính phủ điện tử, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định lại quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng, hoàn thiện Chính phủ điện tử theo các chuẩn mực quốc tế. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận rằng, các xếp hạng quốc tế, trong đó có xếp hạng về Chính phủ điện tử liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh.

leftcenterrightdel
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về Chính phủ điện tử. Ảnh: TTXVN 

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố, bộ, ngành đã lập cổng thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến với cấp độ ngày càng cao, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, trong giải quyết các thủ tục hành chính. Mặc dù vậy, nâng cao hơn nữa chất lượng của Chính phủ điện tử ở nước ta vẫn là một yêu cầu cần phải được tiếp tục thực hiện quyết liệt. Đó là vì, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đây không chỉ là “cuộc đua” hình thức, xếp hạng đơn thuần, mà liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đến tín nhiệm của quốc gia trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế. Tín nhiệm quốc tế cao thì chi phí vốn của cả quốc gia và doanh nghiệp đều giảm.

Việc nâng cao chất lượng Chính phủ điện tử sẽ góp phần tạo ra một hệ thống quản lý thông minh, đáng tin cậy. Qua việc hoàn thiện Chính phủ điện tử thì các rào cản của nền kinh tế sẽ được phát hiện và loại bỏ. Nền kinh tế sẽ được vận hành một cách thông thoáng, nhanh chóng, hợp lý hơn. Theo ước tính của Hội Tin học Việt Nam, nếu xử lý được tình trạng trùng lặp các thủ tục hành chính ở cấp Trung ương và địa phương qua chuẩn hóa tên gọi, quy trình, hồ sơ, biểu mẫu, thống nhất… thì số lượng hơn 136.000 thủ tục hành chính (tính đến đầu tháng 1-2017) sẽ giảm được một nửa. Việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng sẽ là một cơ hội để xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin-một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước đã được xác định.

Và khi các quy định của pháp luật, các quyết định hành chính, các quy hoạch đều được công khai hóa trên internet; các thủ tục được giải quyết chỉ bằng những cái kích chuột mà không cần phải đến gặp trực tiếp các nhân viên hành chính thì sẽ góp phần làm giảm cả nguy cơ những vụ tham nhũng lớn, tham nhũng chính sách lẫn tham nhũng vặt từ thói vòi vĩnh của nhân viên hành chính gây phiền toái, ức chế cho người dân và doanh nghiệp.  

Việc ngày càng hoàn thiện Chính phủ điện tử là một phương cách để giới thiệu cho thế giới thấy tính minh bạch, liêm chính mang tính quốc gia của Việt Nam. Điều đó sẽ góp phần tăng sức hút quốc gia của Việt Nam trên bình diện toàn cầu.

HỒ QUANG PHƯƠNG