Ở nước ta, hiện phụ nữ không chỉ chiếm hơn 27% số lượng đại biểu Quốc hội, đặc biệt lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội là nữ, mà còn giữ nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo đang "ăn nên làm ra", như: VietjetAir, Vinamilk, TH True Milk, MP Logistics... Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã lên đến hơn 31%, đưa Việt Nam vào trong danh sách những quốc gia có thứ hạng cao về chỉ số cơ hội và sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế. Quyền lực của phụ nữ Việt Nam không còn là “nội tướng” trong gia đình mà thực sự có tầm ảnh hưởng tới các lĩnh vực quan trọng của xã hội.

Vui mừng với vai trò, địa vị của phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng cao, nhưng chúng ta không khỏi chạnh lòng trước nhiều thân phận “liễu yếu đào tơ” bị bạo hành, bị lạm dụng xâm hại, bị đối xử thiếu bình đẳng, bị tước đi cơ hội phát triển… Vì vậy, điều quan trọng là xã hội, gia đình, đồng nghiệp, mọi người luôn đứng bên cạnh, hỗ trợ và ủng hộ để giúp phụ nữ tìm thấy thành công cho bản thân. Sự thành công của mỗi phụ nữ sẽ tạo nên động lực tiến bộ cho gia đình, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội. Hơn hết, chính người phụ nữ cần nỗ lực khẳng định bản thân, vươn lên làm chủ vận mệnh, phấn đấu hoàn thiện phẩm chất trong thời đại mới: Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang. 

Trình diễn áo dài tại Festival Nghề truyền thống Huế. Ảnh minh họa: TTXVN.

Người phụ nữ tự tin luôn đạt được bình đẳng với nam giới, biết tự đánh giá ưu, nhược điểm của bản thân, dấn thân làm việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Để có thể tự tin bước vào đời, vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc chăm lo, đầu tư cho các bé gái. Không có nền tảng văn hóa, không kỹ năng sống làm sao người phụ nữ có thể có việc làm, có thu nhập ổn định ở thời đại kinh tế tri thức? Phụ thuộc về tài chính, không có sự nghiệp cho bản thân rõ ràng không thể tự tin, không thể có chuyện bình đẳng giới được. Không chỉ là tri thức mà phụ nữ cũng cần phấn đấu tu dưỡng đạo đức bởi đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi, có nhiều cám dỗ đòi hỏi người phụ nữ phải lấy sự tự trọng làm nền tảng. Nói đến phẩm chất tự trọng của người phụ nữ Việt Nam thì đó chính là việc coi trọng và giữ gìn phẩm giá, danh dự của mình.

Phụ nữ tự tin, tự trọng ít nhiều sẽ thành công trong cuộc sống; những người phụ nữ này thường rất coi trọng thiên chức nữ giới của mình, coi trọng nền tảng hạnh phúc gia đình. Một số người quan niệm lệch lạc về bình đẳng giới, về trào lưu nữ quyền cho rằng phụ nữ phải được tự do, được giải phóng khỏi những công việc gia đình hay chuyện chăm sóc con, cha mẹ già… Chính ra, bình đẳng giới phải hiểu là mỗi giới có chức năng, công việc riêng phù hợp với đặc tính tâm sinh lý. Còn gì hạnh phúc hơn với người phụ nữ khi nấu những bữa cơm gia đình ngon miệng, dạy con trẻ những bài học đầu đời… Những điều đó rõ ràng phụ nữ làm tốt hơn giới mày râu, có chăng sự bình đẳng ở đây là người đàn ông cần phụ giúp người phụ nữ, san sẻ gánh nặng bao việc không tên.

Vậy là có thể hiểu mẫu hình người phụ nữ Việt Nam hội nhập với xu thế hiện đại lúc nào cũng tự tin vào bản thân, độc lập về tư duy, sự nghiệp, song không quên phẩm chất trung hậu, đảm đang truyền thống, xứng đáng là hiền mẫu, mang lại phúc đức cho mỗi gia đình và cả xã hội.

HÀM ĐAN