Vào mùa mưa lũ, loài thủy sinh này sinh sôi, phát triển nhiều vô kể. Mỗi buổi sáng, một người dân có thể bắt được cả bao tải cá lau kính, đem về chế biến làm thức ăn chăn nuôi heo. Đem chuyện này chia sẻ với một cán bộ ở Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi được ông cho hay, cá lau kính đang trở thành mối đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái thủy sản ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Nam Bộ. Đặc thù địa hình sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đồng ruộng mênh mông ở Nam Bộ là môi trường lý tưởng cho loài thủy sinh này sinh sôi, phát triển. Một trong những nguyên nhân khiến cá lau kính phát triển nhanh đến chóng mặt trong môi trường tự nhiên những năm qua là do… phóng sinh.

Ảnh minh họa: baomoi.com.

Phóng sinh từ lâu đã trở thành tập tục tín ngưỡng của một bộ phận đông đảo người dân. Vào ngày rằm, mồng một âm lịch hằng tháng, các dịp lễ, tết hay những sự kiện tín ngưỡng trong năm, rất nhiều người dân và du khách thực hiện việc phóng sinh. Nhu cầu này kéo theo sự ra đời, phát triển của các dịch vụ cung cấp nguồn động vật phóng sinh. Tại các ngôi chùa và cơ sở tín ngưỡng, có rất nhiều lồng chim, bể cá được bày bán công khai. Du khách có nhu cầu phóng sinh sẽ có nguồn cung đáp ứng tại chỗ. Với quan niệm mong muốn loài vật sau khi phóng sinh được sống tự do, lâu dài, nhiều người thường tìm mua những loài dễ sinh trưởng, dễ thích nghi với môi trường tự nhiên. Tại những cơ sở tín ngưỡng ở các địa phương phía Nam thời gian gần đây, các dịch vụ phóng sinh cung cấp đa phần là sinh vật sống dưới nước, nhiều nhất là cá lau kính, cá trê, cá rô, cá rô phi… Đáng chú ý, cá lau kính là loài sinh vật ngoại lai, dễ sống, ăn tạp, có tốc độ sinh trưởng rất nhanh. Việc phóng sinh một lượng lớn cá lau kính ra sông, kênh, rạch, đồng ruộng… khiến hệ sinh thái thủy sản ở nhiều nơi bị phá vỡ bởi sự tấn công khủng khiếp của loài này, nhất là vào mùa mưa lũ. Nơi nào có cá lau kính, nơi đó các loài thủy sinh khác không thể cạnh tranh phát triển do bị loài này tấn công, nguồn thức ăn cũng bị chúng “cướp” hết. Loài thủy sinh ngoại lai này đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với môi trường sinh thái.

Mấy năm trước, chính quyền và các ngành chức năng ở Hà Nội đã phải mất rất nhiều công sức để bắt rùa tai đỏ do người dân phóng sinh ở hồ Hoàn Kiếm. Gần đây, dư luận, truyền thông lại “dậy sóng” với sự xâm nhập của cá chim trắng, tôm hùm đất. Các loài thủy sinh ngoại lai này đều được du nhập, nuôi với mục đích ban đầu để làm cảnh, lau bể. Đến nay, dù giới chuyên gia và các ngành chức năng đã khuyến cáo mạnh mẽ về mối nguy hại của chúng đối với môi trường, nhưng việc phóng sinh những loài sinh vật này vẫn diễn ra tràn lan ở nhiều nơi.

Bản chất của phóng sinh là thể hiện lòng từ bi của con người, coi trọng sự sống của muôn loài chúng sinh. Bên cạnh việc “nói không” với sát sinh, phóng sinh có ý nghĩa giải cứu, bảo tồn sự sống cho những cá thể, loài vật gặp hoạn nạn, bị giam cầm. Tuy nhiên, trên thực tế, tập tục tín ngưỡng này ở nhiều nơi, với nhiều người đã bị biến tướng. Không ít người phóng sinh theo trào lưu, làm theo hội chứng đám đông, biến nét đẹp mang ý nghĩa nhân sinh, nhân văn thành tác nhân gây hại.

Tập tục hình thành từ thói quen. Tín ngưỡng xuất phát từ đức tin. Không ai có thể cấm người ta thực hiện các nghi thức tín ngưỡng. Vấn đề cần bàn là mỗi người dân và du khách, khi tham gia phóng sinh, cần trang bị cho mình những kiến thức và thái độ trách nhiệm cần thiết để vừa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, vừa không gây hại cho môi trường và xã hội. Khi nhu cầu và hành động phóng sinh thể hiện đúng bản chất tín ngưỡng, nguồn cung “lệch chuẩn” ắt bị triệt tiêu.

PHAN TÙNG SƠN