Sự kiện này thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ đối với ngành dược liệu Việt Nam-lĩnh vực mà chúng ta có rất nhiều thế mạnh nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Bà Nguyễn Thị Biên, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tâm (áo trắng) cùng người dân thôn Đồng Tâm, xã Yên Than, Tiên Yên chăm sóc cây dây thìa canh. Ảnh: baoquangninh.com.vn
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia "giàu có" về nguồn dược liệu của khu vực và thế giới. Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy, cả nước đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng, thông đỏ… Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cha ông ta cũng đã phát hiện, tích lũy được kho tri thức khổng lồ về dược liệu và y học cổ truyền với gần 1.300 bài thuốc dân gian. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp dược liệu và nền y học cổ truyền, phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng khác. Đơn cử như trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; trồng cây atiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20-40 triệu đồng/ha/năm.
Mặc dù nguồn tài nguyên hết sức dồi dào nhưng ngành dược liệu Việt Nam thời gian qua vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Hiện cả nước có 226 cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, hơn 1.400 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu khoảng 20.000 tấn/năm. Tuy nhiên, quy mô cũng như trình độ sản xuất còn manh mún, lạc hậu, thiếu tính liên kết, 80% nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chất lượng các sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu trong nước còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng “chảy máu” dược liệu thô đang có chiều hướng gia tăng, khiến cho nhiều loài bị cạn kiệt, tuyệt chủng. Thời gian qua, tại một số địa phương, hàng loạt cây thuốc quý hiếm như máu chó, lông cu-li, trái ươi, huyết đằng, bình vôi, bá bệnh... bị người dân khai thác ồ ạt bán cho thương lái xuất ra nước ngoài. Công tác quản lý còn nhiều bất cập khiến tình trạng dược liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng.
Hiện nay, xu hướng “trở về thiên nhiên” bằng việc sử dụng các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… từ dược liệu ngày càng tăng lên. Vì vậy, phát triển dược liệu đang và sẽ là một hướng đi bền vững, nhằm phát huy tiềm năng dược liệu của đất nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Để thực hiện được điều này, cần xây dựng nền công nghiệp chế biến dược liệu đủ mạnh để sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt; xây dựng thói quen “Người Việt dùng thuốc Việt”; kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại; có chính sách hợp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư nuôi trồng, chế biến dược liệu; xây dựng chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ một cách bền vững; bảo tồn và phát triển các loài dược liệu quý hiếm; xây dựng bộ tiêu chuẩn nhằm quản lý chất lượng dược liệu; ngăn chặn có hiệu quả nạn xuất lậu dược liệu quý hiếm ra nước ngoài và nhập lậu các loại dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng vào trong nước. Có như vậy chúng ta mới phát huy được tiềm năng, thế mạnh của dược liệu Việt Nam, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
VŨ ĐÌNH ĐÔNG