Nhờ ham đọc sách, yêu văn thơ mà biết bao cán bộ, chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đã “thổi hồn” vào những lá thư gửi về quê nhà làm lay động lòng người. Rồi những trang nhật ký chứa đựng lý tưởng sống cao đẹp mà đến nay đọc lại, chúng ta càng thêm trân quý những con người dù phải đối mặt với cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hiểm nguy và đứng trước lằn ranh sinh tử, nhưng vẫn biết làm đẹp đời sống tinh thần của mình từ những cuốn sách hay.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: zing.vn |
Thời nay, khi mỗi chiếc ipad, iphone gần như trở thành một phần tất yếu của cuộc sống thường ngày của con người, liệu những cuốn sách có còn đủ sức lôi cuốn đối với cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ trẻ ở đơn vị cơ sở không? Để trả lời thấu đáo câu hỏi này đòi hỏi phải có cuộc khảo sát công phu, nghiêm túc. Nhưng nhìn vào hệ thống thiết chế văn hóa đọc ở thư viện, phòng Hồ Chí Minh, phòng đọc, tủ sách… tại các đơn vị hiện nay, có thể khẳng định rằng, ít có môi trường nào lại có điều kiện thuận lợi để con người được thường xuyên tiếp cận, thụ hưởng văn hóa đọc như trong môi trường quân đội. Theo quy định của Thông tư số 104/2014/TT-BQP, mỗi quân nhân được bảo đảm chế độ, định mức, tiêu chuẩn bình quân 300 trang sách/người/năm; riêng bộ đội Trường Sa và nhà giàn DK được bảo đảm 350 trang sách/người/năm.
Có nơi đọc sách, có sách để đọc, có nhiều loại sách để lựa chọn, có thời gian giờ nghỉ và ngày nghỉ cuối tuần để đọc sách, vấn đề là làm sao để bộ đội luôn gần gũi, gắn bó với sách, coi sách như người bạn đồng hành thân thiết của mình trong cuộc đời quân ngũ. Thời gian qua, nhiều đơn vị đã có những việc làm thiết thực, như: Trưng bày, triển lãm sách; tổ chức tọa đàm, tuyên truyền về ý nghĩa của việc đọc sách; chủ động giới thiệu những cuốn sách hay trên hệ thống loa phát thanh; mời các nhà văn, nhà thơ và học giả tên tuổi đến giao lưu, nói chuyện chuyên đề về đọc sách… Những cách làm đó góp phần “hâm nóng” tinh thần đọc sách của bộ đội, khích lệ mỗi người nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của văn hóa đọc.
Tuy vậy, khi bước vào khu vực thư viện, phòng đọc ở một số đơn vị hiện nay vẫn thấy không gian có phần yên ắng. Nhìn những chồng sách được xếp ngay ngắn trên giá sách bị phủ bụi, hay những cuốn sách được để nghiêm ngắn trong tủ kính đã thấy phần nào những cuốn sách này rất ít, thậm chí chưa đến tay bạn đọc. Có đơn vị chỉ tổ chức trưng bày, giới thiệu sách theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”, thường là vào dịp Ngày Sách Việt Nam 21-4 hằng năm hay trong dịp kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị, sau đó cho tất cả cuốn sách lên giá, vào tủ để “trang hoàng” là chính. Cá biệt, có đơn vị dù sở hữu thư viện, phòng đọc khá khang trang với nhiều cuốn sách giá trị, nhưng vắng bóng bộ đội đến đọc do hầu như quanh năm suốt tháng cửa đóng then cài.
Thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh là những thiết chế văn hóa quan trọng trong việc bồi đắp, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở. Việc cần làm hiện nay là các đơn vị phải coi trọng hơn nữa các thiết chế văn hóa này thông qua việc thường xuyên mở cửa thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh; tổ chức các hoạt động thiết thực, bổ ích để lôi cuốn bộ đội tích cực hưởng ứng, tham gia văn hóa đọc; phát huy vai trò của lực lượng chức năng (nhân viên thư viện, nhân viên câu lạc bộ…) để hướng dẫn, giúp đỡ bộ đội tìm đọc những cuốn sách hay. Phải làm sao biến các thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh trở thành không gian văn hóa, điểm đến hấp dẫn, nơi làm đẹp đời sống tinh thần cho bộ đội.
ANH THẢO