QĐND - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2021, gần 8.000 hộ nông dân đã lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), tăng 191% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị sản phẩm nông sản giao dịch trên sàn TMĐT đạt 944 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020. Cuối tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam có lô hàng nông sản (3 tấn vải thiều Bắc Giang) xuất khẩu sang thị trường châu Âu qua sàn TMĐT của doanh nghiệp trong nước.
Những kết quả trên cho thấy sự dần chuyển đổi vai trò của người nông dân trong thị trường hàng hóa. Người nông dân hiện nay không còn đơn thuần là người lao động “một nắng hai sương”, lo đủ ăn, lấy công làm lãi nữa, mà đã biết cách tổ chức sản xuất khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và giờ đây đã trực tiếp tham gia vào thị trường thương mại hiện đại.
 |
Nông dân giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: https:vietnamhoinhap.vn |
Đây là tín hiệu vui xuất hiện ngay khi Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc. Đã rất nhiều kỳ họp Quốc hội, những trái ngang, bất hợp lý trong khâu tiêu thụ khiến cho nông dân lâm cảnh “được mùa, mất giá”, trái cây trĩu trong vườn, nông sản đầy ngoài ruộng mà không buồn thu hoạch vì cũng chẳng biết bán cho ai, hoặc bán quá rẻ không đủ chi phí thuê nhân công. Người nông dân chỉ biết kể tội anh thương lái đã dìm giá nông sản. Nhưng nếu quy hết trách nhiệm cho thương lái thì cũng có phần oan ức. Giá cả là do quy luật cung cầu, do sự vận hành rất phức tạp của thị trường. Nếu người sản xuất chỉ biết sản xuất mà không chủ động tính toán đầu ra, tìm đầu ra thì đã tự đẩy mình vào thế phó mặc cho người khác định giá.
Do vậy, việc người nông dân đã biết cách lên sàn TMĐT để giao dịch là dấu hiệu cho thấy họ đã biết cách tính toán, biết cách thực sự làm chủ mảnh ruộng của mình. Không chỉ thị trường trong nước, việc xuất khẩu nông sản bằng TMĐT sang thị trường châu Âu “khó tính” đã mở ra một cơ hội thị trường rộng lớn hơn cho người nông dân Việt Nam. Họ không chỉ chờ thương lái mà có thể tự mình tìm những khách hàng ổn định ở trên sàn TMĐT, để tiêu thụ nông sản trong nước, hoặc xuất khẩu.
Tại Việt Nam, cách đây khoảng 15 năm đã có một sự thay đổi lớn trong ngành viễn thông, công nghệ thông tin khi người nông dân nghèo cũng có thể sử dụng điện thoại di động. Điều đó đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ, một sự thay đổi lớn trong chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Giờ đây, khi công nghệ thông tin đã len lỏi sâu hơn vào đời sống thì nó đã từng bước giải các bài toán mà trước đây tưởng như khó có lời giải. Trong đó, tiêu thụ nông sản là một bài toán như vậy.
Tuy nhiên, để việc người nông dân lên sàn TMĐT trở nên phổ biến thì cần sự tiếp tục vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tạo cơ chế thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp bưu chính, các ngân hàng thương mại cùng tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT. Người dân cần được hướng dẫn cách sản xuất bảo đảm chất lượng, đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tập huấn cách mở tài khoản trên sàn TMĐT, cách tìm khách hàng, cách giao dịch, thu nhận tiền... Nếu các sàn TMĐT của Việt Nam có thể trở thành một đầu ra cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam thì cũng sẽ tạo cơ hội phát triển rất lớn cho TMĐT và logistics của Việt Nam, bởi tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2020 đã lên tới 41,25 tỷ USD.
Một cơ hội mới cho nông sản đã được mở ra. Các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và người nông dân cần nắm lấy cơ hội này để giải bài toán đầu ra cho nông sản, để đời sống người nông dân đi lên bền vững hơn.
HỒ QUANG PHƯƠNG