Chấp hành Nghị quyết số 105/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023, NHNN đã liên tục 4 lần giảm các mức lãi suất điều hành với mức 0,5-2%/năm, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, tối thiểu 1,5-2%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm hơn 1%/năm, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Đặc biệt, lãi suất bình quân liên ngân hàng vẫn tiếp tục tăng rất mạnh, trong vòng chưa đầy một tháng, lãi suất kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chủ chốt, chiếm tới hơn 90% giao dịch trên thị trường liên ngân hàng) đã tăng gấp hơn 18 lần, từ mức 0,15%/năm (cuối tháng 9-2023) tăng lên mức 2,84%/năm (trong phiên 24-10). Các kỳ hạn dài hơn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng đang duy trì mức lãi suất lần lượt là 4,53%/năm, 4,895%/năm và 6,46%/năm. Như thế, các ngân hàng đang phải vay nhau với lãi suất cao nên không dễ giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân.

Cộng đồng doanh nghiệp và người vay tiền đang đối diện với nghịch lý trên thị trường tín dụng hiện nay là: Lãi suất cho vay giảm chậm, dù lãi suất huy động giảm nhanh. Thậm chí lãi suất cho vay còn có nguy cơ tăng nếu hết thời hạn ưu đãi lãi suất vay, nhất là với các khoản đầu tư bất động sản. 

Ngay cả người vay tiêu dùng theo sổ lương, với lãi suất được thỏa thuận chỉ là 8,9%/năm, tuy nhiên, tính tổng lãi suất, khoản phí và phạt khác nhau (trong đó có công chứng, thẩm định tài sản, phí giải ngân, phí sắp xếp vốn...) thì mức lãi thực tế cao hơn nhiều. Khi người vay muốn trả nợ sớm thì cũng phải chịu phí phạt trả nợ trước hạn 3-4%/năm, thậm chí 5%.

Các ngân hàng dù tìm mọi cách thức khai thác cơ hội mới gắn với tăng chênh lệch lãi suất huy động và cho vay, để tăng nguồn thu và tăng lợi nhuận, thì bản thân cũng đang canh cánh với nỗi lo mới về dư nợ cho vay tăng chậm, trong khi áp lực nợ xấu tăng cao, khó tìm đầu ra cho vốn vay. Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), tổng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống còn khoảng 8%, tức là còn khoảng 950.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế đang ứ đọng.

Như thế, ngân hàng đang có dấu hiệu ế tiền, còn doanh nghiệp thì vẫn phải vay với lãi suất cao! Tình trạng ế vốn ngân hàng có lý do từ việc doanh nghiệp thiếu hợp đồng, dự án đầu tư, không đáp ứng được điều kiện hoặc không dám vay, nhất là khi lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, ngay cả với các lĩnh vực ưu tiên (như lãi suất cho vay kinh doanh lúa gạo thời hạn 5 tháng đầu năm 2023 ở mức 9,5%/năm, giảm còn 6,5%/năm từ ngày 8-9, song vốn cho vay trung, dài hạn vẫn cao, ở mức 9-9,5%/năm).

Lãi suất cho vay cao và dư nợ tín dụng thấp là hai nút thắt sẽ gây áp lực gia tăng chi phí tiếp cận vốn, gánh nặng nợ và chi phí bảo hiểm cho khoản nợ; đồng thời, làm biến dạng chu kỳ và giảm vai trò động lực phát triển của dòng tín dụng ngân hàng.

Bởi vậy, trong thời điểm này, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần tăng cường đồng hành, đột phá mạnh hơn và thực chất hơn nhằm giảm nhanh lãi suất cho vay các hợp đồng vay mới và cả các khoản vay cũ, nhất là vay dài hạn, để đạt mức chỉ còn khoảng 7%/năm. Cần rà soát thủ tục, hồ sơ vay vốn để giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để mở rộng tín dụng lành mạnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tạo động lực phục hồi, tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh sức mua thị trường yếu và sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm.

TS NGUYỄN MINH PHONG  

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.