Cụ thể, con số bội chi năm 2013 đã quyết toán là 6,6% tổng thu nhập trong nước (GDP), năm 2014 là 6,33%, năm 2015 là 6,11%. Trong khi đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách Nhà nước giảm từ 31,2% giai đoạn 2001-2005 xuống còn 23% giai đoạn 2011-2015 và năm 2016 dự kiến giảm xuống còn 20%. Tổng số bội chi theo dự toán năm 2016 là 258,7 nghìn tỷ đồng, nhưng tổng số chi cho đầu tư phát triển năm 2016 theo dự toán chỉ là 254,95 nghìn tỷ đồng.

 Ảnh minh họa.

Những số liệu nêu trên cho thấy, nỗ lực giảm tỷ lệ bội chi của chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ít nhất là trong vài năm tới, khi nguồn thu ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi áp lực chi thường xuyên ngày càng lớn và tình trạng “nhờn” kỷ luật ngân sách đã không còn là hiện tượng lạ. Tuy ở trong thế khó, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng để bảo đảm an toàn cho nền tài chính quốc gia.

Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu thông điệp rõ ràng và kiên quyết: Từng đồng tiền thuế của dân đều phải được sử dụng hiệu quả, minh bạch-thông điệp này được kỳ vọng sẽ mở ra một “cuộc chiến” mới với tình trạng sử dụng ngân sách một cách lãng phí, hiệu quả không cao. Muốn vậy, trước hết, các khoản vốn vay của Nhà nước cần thiết chỉ được dùng để chi cho đầu tư phát triển theo cách tiết kiệm nhất nhưng cho hiệu quả cao nhất, nôm na là vay để đầu tư sinh lời, tuyệt đối không thể vay để tiêu dùng. Cùng với đó, từng đồng tiền chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cũng phải được sử dụng tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất. Mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải tuyệt đối tránh tư tưởng coi ngân sách là “tiền chùa”, chi tiêu phung phí. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương sử dụng tiền ngân sách chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức phải tìm mọi cách tăng năng suất lao động, chất lượng hoạt động, tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Nói cách khác, chúng ta cần coi những khoản chi thường xuyên như những khoản đầu tư, chi ra một đồng cũng cần hướng tới hiệu quả được tạo ra phải có giá trị cao hơn một đồng ấy.

Cuối cùng, điều quan trọng không kém là các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thật tốt tinh thần “nói không với chi vượt dự toán”. Muốn “nói không với chi vượt dự toán”, các khoản chi cần được dự toán chặt chẽ hơn, khoa học hơn; kiên quyết không quyết toán những khoản vượt dự toán không có đủ căn cứ và xử lý nghiêm từng cá nhân, cơ quan liên quan tới việc chi vượt dự toán, kể cả cá nhân, cơ quan lập dự toán không sát thực tế. Nếu mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều tận tâm làm việc với năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất; nếu mỗi tập thể, cá nhân đều có ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tiền thuế của dân, thì chắc chắn tình trạng bội chi ngân sách Nhà nước sẽ không còn.

CHIẾN THẮNG