Về mặt phương pháp khoa học trùng tu di tích chùa Cầu, đến nay chưa có chuyên gia nào lên tiếng cho rằng “có vấn đề”. Đây là điều rất tốt, chứng tỏ các bên liên quan đã triển khai dự án trùng tu di tích bài bản, thể hiện tình yêu với di sản, tránh đi theo vết xe đổ trùng tu tùy tiện, gây bức xúc lâu nay.
Tranh cãi chỉ xảy ra vì những tiểu tiết, đặc biệt là chuyện màu sơn phủ lên di tích chùa Cầu. Một số ý kiến cho rằng màu sơn mới, không tôn lên giá trị văn hóa-lịch sử xa xưa của chùa Cầu. Bên bảo tồn thì nói rằng, màu sắc được phục hồi dựa theo một số vị trí còn tồn màu cũ, kết hợp với kết quả khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An, điều quan trọng là giữ gìn được tính nguyên gốc.
|
|
Di tích chùa Cầu ở Hội An. Ảnh: Vietnam+ |
Hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ (1964) nêu rõ: “Trùng tu phải ngừng lại ngay khi bắt đầu có sự phỏng đoán, hơn nữa trong trường hợp đó, nếu xét thấy nhất thiết phải làm thêm một cái gì đó vì lý do thẩm mỹ hoặc kỹ thuật thì bộ phận làm thêm đó phải phân biệt được với bố cục kiến trúc và phải ghi rõ dấu ấn niên đại lúc thực hiện”. Từ đoạn văn bản trên, chúng ta thấy ý kiến của hai bên đều cảm tính, thiếu căn cứ khoa học.
Chùa Cầu có lịch sử khoảng 400 năm. Từ trước tới nay cũng chưa có bất cứ tài liệu nào mô tả màu sắc chùa Cầu nguyên bản như thế nào. 7 lần trùng tu trước không để lại hồ sơ, chỉ có một số hình ảnh nhưng không xác định chính xác ở giai đoạn nào. Cho nên ngay cả màu sơn trước khi có đợt trùng tu này cũng không thể gọi là màu sắc nguyên bản. Việc phía bảo tồn cố gắng đi tìm màu sơn xưa nhất có thể xác định là đúng nhưng lại sai khi dùng từ “nguyên gốc” để trả lời dư luận. Phía dư luận cũng sai khi đòi trùng tu nhưng lại phải trông thật cổ xưa. Bởi lẽ, khi không xác định được màu sơn nguyên gốc thì có nhiều cách xử lý, ví dụ chỉ làm sạch rêu rồi phủ “sơn trong”; thậm chí màu sơn có vẻ tươi sáng ở đợt trùng tu mới vẫn được các chuyên gia chấp nhận.
Trùng tu di tích là một ngành khoa học có tính chuyên môn sâu, công chúng không phải ai cũng có hiểu biết. Qua câu chuyện ồn ào ở chùa Cầu, cần phân biệt các luồng dư luận xã hội. Một bộ phận vì không hiểu biết mà lên tiếng vì lo lắng cho di sản là chính đáng, cần lắng nghe, tôn trọng và giải thích; nhưng có một bộ phận mở miệng là chê bai, phán bừa, không chịu tìm hiểu “ra ngô, ra khoai”.
Sự việc này rút ra bài học cho nhiều vấn đề trong lĩnh vực văn hóa, vốn không ít định tính, phức tạp, đó là: Nếu cơ quan chức năng làm đúng, vì cái chung thì nên sớm minh bạch thông tin, tương tác liên tục với người dân.
Khi xuất hiện những ý kiến trái chiều thì kiên trì nói cho người dân hiểu; kiên định, chịu trách nhiệm trước dư luận, trả lời thẳng thắn, làm rõ vấn đề. Lắng nghe, tiếp thu đóng góp của người dân là cần thiết nhưng không vì ý kiến thiếu thiện chí, thiếu hiểu biết mà lại thỏa hiệp để cuối cùng rơi vào tình cảnh “đẽo cày giữa đường”.
HÀM ĐAN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.