Tôi có người bạn kinh doanh quán cà phê trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Ngay khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quán cà phê của bạn tôi đã phải đóng cửa và sau đó trả lại mặt bằng. Vừa qua, thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách, cho phép cơ sở dịch vụ ăn uống bán hàng mang về, tôi hỏi người bạn liệu có nghĩ đến sẽ mở lại quán cà phê, bạn tôi cho hay vẫn còn hoang mang, không biết liệu dịch bệnh sẽ tiếp diễn ra sao.

Công ty TNHH May Tinh Lợi (Hải Dương) bảo đảm tốt các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất. Ảnh: VIẾT CHUNG  

Đây là tình trạng chung của nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp khi lâm vào tình cảnh khó khăn do đại dịch. Quyết định hoạt động trở lại hay không còn khiến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đau đầu khi doanh thu, lợi nhuận chưa lớn, cùng với nỗi lo về chi phí thuê mặt bằng. Chuỗi cung ứng hàng hóa vẫn chưa thực sự thông suốt trở lại. Người lao động lo sợ cho sự an toàn, tìm cách trở về quê, ảnh hưởng tới nguồn lao động. Sau nhiều lần giãn cách xã hội, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn có hoạt động SXKD phát triển sôi động như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... không chỉ nguồn lực của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị giảm sút, niềm tin đối với sự hồi phục cũng mong manh đi nhiều, vì họ không biết rằng liệu còn có những đợt giãn cách tiếp theo...

Có thể thấy, để nền kinh tế hồi phục, cần khôi phục niềm tin của người dân. Trước hết là niềm tin vào sự an toàn. Theo đó, cần sự tập trung giữ vững thành quả chống dịch, kiên định thực hiện theo hướng phong tỏa hẹp nhất có thể, thần tốc truy vết, khoanh vùng, xử lý dứt điểm các ca bệnh mới phát sinh trên từng địa bàn. Đồng thời, việc bảo đảm hoàn thành tiêm hai mũi vaccine cho người dân sẽ là giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh trong tương lai. Được biết, đối với địa bàn trọng yếu như Thủ đô Hà Nội, dự kiến đến tháng 11-2021, thành phố sẽ sớm hoàn thành tiêm mũi hai cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên cơ sở vaccine được phân bổ và xúc tiến tìm nguồn vaccine cho trẻ em. Đây là điều kiện quan trọng để tạo thêm niềm tin cho người dân về sự an toàn trước dịch bệnh.

Cùng với đó còn là niềm tin vào quyết tâm trong việc hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai kế hoạch, thông qua phương án SXKD của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì SXKD, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, kịp thời hướng dẫn các chính sách, quy định về miễn giảm thuế, triển khai để ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng cho các doanh nghiệp. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 2-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong những tháng cuối năm, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng kinh tế tốt hơn và tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Có thể nói, vào thời điểm khó khăn này, điều mà cộng đồng doanh nghiệp cần là sự hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ chế chính sách thông thoáng, là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương. Qua đó, tạo thêm động lực, có thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, trước mắt là khôi phục hoạt động kinh doanh, sau là mở rộng sản xuất, đóng góp vào đà tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

NGUYỄN VŨ