Nguồn gốc của khu đất xây ki-ốt thuộc phạm vi quy hoạch chợ Kim và quy hoạch hành lang cây xanh khu vực chợ Kim do TP Hà Nội thực hiện. Hiện nay, 13 ki-ốt này đang được chính quyền xã Xuân Nộn cho các cá nhân thuê với thời hạn 50 năm (nghĩa là không phải đất ở để có thể xây dựng các công trình nhà ở kiên cố theo quy định của pháp luật). Thế nhưng không biết bằng cách nào, các ki-ốt dạng nhà cấp 4 trước đây đã biến thành các ngôi nhà hệt... biệt thự.
Theo dõi vụ việc có thể thấy, những người đã thuê ki-ốt thì tin tưởng rằng họ có thể hợp pháp hóa các “biệt thự ki-ốt” nói trên thành... nhà ở lâu dài. Nghĩa là họ sẽ “tìm mọi cách” để chuyển đổi mục đích và quyền sử dụng đất, chuyển đổi hình thức sở hữu từ thuê sang mua đối với các ki-ốt nêu trên. Động thái này đang có vẻ tìm được sự ủng hộ của chính quyền xã Xuân Nộn, cụ thể là sự ủng hộ của ông chủ tịch xã đương nhiệm. Ngược lại với những người chủ ki-ốt, 180 hộ dân kinh doanh trong chợ Kim lại có niềm tin vào sự chuẩn mực, đúng đắn và nghiêm minh của luật pháp. Họ cũng tin vào khả năng xử lý một cách minh bạch các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của UBND TP Hà Nội những năm gần đây, điển hình là việc thành phố đang quyết tâm phá dỡ hết phần sai phạm của tòa nhà số 8B phố Lê Trực (quận Ba Đình).
Sự đúng, sai đối với các “ki-ốt biệt thự” như thế nào, các ki-ốt có thể bị phá dỡ hay vẫn tồn tại... chắc chắn sẽ được chính quyền huyện Đông Anh và TP Hà Nội xem xét, kết luận, xử lý. Nhưng hiện nay, vụ việc trên rõ ràng đang bộc lộ hai dạng “niềm tin” của hai phía. Tuy nhiên, trong đó chỉ có một niềm tin thuộc về chân lý-đúng, đó là niềm tin vào sự nghiêm minh của luật pháp, của phép nước. Mọi niềm tin dạng mơ hồ, như tin vào “sức mạnh đồng tiền”, tin vào các “mối quan hệ" nhằng nhịt để hòng uốn cong luật pháp, biến sai thành đúng... thì đều là những niềm tin thiếu tính căn bản. Trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng là phải làm cho niềm tin vào phép nước của người dân luôn được duy trì và tịnh tiến đến mức tuyệt đối. Một xã hội sẽ không thể có trật tự và ổn định nếu như chúng ta để cho niềm tin vào “sức mạnh đồng tiền” lấn át sự tin tưởng vào luật pháp.
Từ sự việc ở chợ Kim cũng cho thấy, muốn giữ niềm tin trong nhân dân vào sự nghiêm minh của luật pháp thì bản thân từng cán bộ từ cấp cơ sở trở lên, phải luôn gương mẫu chấp hành pháp luật. Tuyệt đối không ai có quyền cho mình được đứng trên pháp luật. Những hiện tượng tìm cách chạy chọt nhằm hợp pháp hóa sự sai phạm như kiểu ở chợ Kim cần phải được mổ xẻ, xử lý triệt để.
Đất nước ta đang xây dựng và hoàn thiện chế độ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do đó mọi hành vi vi phạm, bẻ cong pháp luật, đứng trên pháp luật... đều phải được xử lý thỏa đáng. Xây dựng một chính quyền hành động, liêm chính, vì dân chính là hành pháp cho nghiêm, bảo vệ cái đúng, loại bỏ cái sai, để không ngừng củng cố niềm tin của người dân vào sự minh bạch của chính quyền, sự nghiêm minh của luật pháp.
TRẦN TUẤN