Đó thực sự là những con số biết nói. Tiêu biểu là việc đưa vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 1) ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã khởi tố 3 vụ án hình sự, kiến nghị điều tra làm rõ 10 nhóm hành vi của những người liên quan; đã quyết định tịch thu 6.577 tỷ đồng (đạt 72% số tiền thiệt hại), là số tiền đặc biệt lớn.
Trong tháng 9, tiến trình phát hiện, kiểm tra, điều tra dấu hiệu vi phạm kỷ luật; và nhất là việc Ban Bí thư tổ chức họp, quyết định khai trừ Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (với tỷ lệ biểu quyết 100%) nhận được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Tương tự, từ đầu năm 2016 đến nay, hàng chục quan tham buộc phải đứng trước vành móng ngựa, chịu những bản án thích đáng của pháp luật và bản án lương tâm. Đáng nói hơn, các cơ quan chức năng đều tiến hành xử lý nghiêm minh, công khai tất cả các vụ án tham nhũng từ to đến nhỏ, cả những đối tượng đương chức và nghỉ hưu… Càng vui hơn, khi Thường trực Ban Chỉ đạo về PCTN đã thống nhất, sẽ đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017.
Đó là những kết quả rất đáng ghi nhận; bắt đầu từ chính ý chí, nỗ lực và vai trò tiên phong của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Từ đầu nhiệm kỳ mới, cũng là từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều đồng chí lãnh đạo, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điều chỉnh kế hoạch công tác, dành phần lớn thời gian, cùng tập thể Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” với tinh thần trách nhiệm cao nhất; với thái độ kiên quyết, mạnh mẽ hơn trước. Đó là một bước cụ thể hóa quyết tâm của Đảng trong PCTN; là phần việc thiết thực, cụ thể nhằm hiện thực hóa Nghị quyết XII của Đảng ta.
Tất nhiên, vẫn còn một số quan điểm cho rằng: Việc xử lý các vụ án tham nhũng như vừa qua là vẫn còn ít so với thực tế. Có lẽ, đó là cách nhìn khá nghiêm túc, khách quan, với yêu cầu cao. Thế nhưng, cũng cần thấy rằng: PCTN là công việc rất khó khăn, phức tạp; cần những bước đi phù hợp, thận trọng, kiên quyết, kiên trì. Hơn nữa, việc xử lý các vụ án tham nhũng chỉ là một đầu việc rất nhỏ trong khối nội dung khổng lồ của công tác PCTN. Cần thấy rằng, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương triển khai nhiều phần việc quan trọng, có tác dụng nâng cao năng lực ngăn chặn tệ tham nhũng ở nước ta; tiêu biểu như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng về PCTN; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, luật pháp để phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả… Đó là những phần việc rất khó định lượng, nhưng có ý nghĩa quyết định trong thực hiện tư tưởng “phòng” hơn “chống”; như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phòng tham nhũng là việc cơ bản, tốt nhất là để nó đừng xảy ra, ngăn chặn trước, răn đe trước. Phải có các biện pháp làm cho người ta muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng...”.
PCTN là cuộc chiến khốc liệt, nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và sự tồn vong của dân tộc. Phần việc này không chỉ thuộc trách nhiệm của Đảng mà còn là bổn phận của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc. Trên cơ sở kết quả đạt được, từ niềm tin và tín hiệu mới trong công tác PCTN thời gian qua, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng cần nhận thức đúng, đủ vai trò, trách nhiệm, để quán triệt, thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về PCTN; tích cực đấu tranh, góp phần đẩy lùi, tiêu diệt đến cùng “giặc nội xâm”.
NGUYỄN TẤN TUÂN