Ngay từ đầu năm mới, chúng ta đã cảm nhận được một không khí làm việc sôi nổi của hầu khắp các doanh nghiệp trên cả nước. Theo Liên đoàn Lao động của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ngay khi kết thúc 7 ngày nghỉ Tết, gần 100% doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất tại hai địa phương này đã trở lại làm việc bình thường với tỷ lệ lao động làm việc đạt khoảng 95-97%, cao hơn hẳn so với những năm trước.
Do đặc thù công việc, trước yêu cầu cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, mà ở không ít đơn vị, doanh nghiệp, người lao động đã thay nhau đi làm từ trong Tết. Dịp Tết năm nay là khoảng thời gian bận rộn với đội ngũ nhân viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Viettel thì đang trong “chiến dịch 4G”, chạy đua với thời gian để phủ sóng di động công nghệ 4G trên khắp cả nước. Hơn nữa, khi Viettel đã đầu tư ra nhiều nước trên thế giới thì gần như không còn khái niệm ngày và đêm, ngày nghỉ trong hoạt động của doanh nghiệp này. VietinBank thì thay đổi giao diện giao dịch-quản lý ngay sau Tết. Ở những doanh nghiệp ấy, ngày Tết, trụ sở vẫn sáng đèn. Các nhân viên tỏa đi khắp nơi để lắp đặt trạm phát sóng, lắp đặt thiết bị, miệt mài với các số liệu tài chính-kế toán nhằm bảo đảm hoạt động ổn định cho hệ thống mới... Với nhiều người lao động ở những doanh nghiệp ấy, niềm vui đón Xuân đã được chuyển hóa thành niềm vui trong công việc, nhìn thấy hiệu quả công việc mà mình đang thực hiện. Với họ, trụ sở cơ quan cùng với cành đào, cây quất, đã trở thành một tổ ấm và đồng nghiệp trở thành những người thân.
Để hạn chế tối đa quy luật khó khăn về nhân lực, lao động trong tháng sau Tết, năm nay các doanh nghiệp đã tích cực có các chính sách quan tâm đến người lao động để "kéo" họ trở lại làm việc sớm như: Ứng trước nửa tháng lương từ trước Tết, lì xì sau Tết, phụ cấp được cải thiện; tổ chức xe đưa công nhân về quê và đón ra làm việc, đã tạo tâm lý phấn khởi cho công nhân trở lại với nhà máy, thêm gắn bó với doanh nghiệp. Việc trở lại đúng hẹn, thể hiện thái độ làm việc ngày càng chuyên nghiệp của người lao động Việt Nam. Nó không chỉ bảo đảm chất lượng công việc của cơ quan, doanh nghiệp mà còn làm tăng chỉ số niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam.
Tôi có người bạn làm việc ở Nhà hát Múa rối Thăng Long. Chị cho biết, gần như chẳng có ngày nghỉ Tết nào, dịp Tết khách nước ngoài đến xem múa rối rất đông... Hóa ra, cách nghĩ Tết là khoảng thời gian mọi người đều được nghỉ ngơi, và các lễ hội là chốn vui chơi, đã dần không còn đúng nữa. Lễ Tết, lễ hội đang ngày càng trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Khi mà nền kinh tế của chúng ta đang ngày càng có xu hướng dịch vụ hóa, tỷ trọng của khu vực dịch vụ đã chiếm tới 40,92% trong cơ cấu kinh tế thì ngày lễ, ngày Tết, nơi lễ hội là thời điểm, là không gian để các ngành dịch vụ, du lịch hoạt động tốt hơn. Ngày Tết, các nhà hàng, điểm vui chơi vẫn mở cửa đón khách và doanh thu tăng cao hơn so với ngày thường. Họ chia ca, chia kíp để nhân viên thay nhau tranh thủ về quê, rồi quay trở lại phục vụ ngay. Tháng Giêng là khoảng thời gian nhiều lễ hội nhất trong năm. Mà lễ hội luôn tạo ra sức hút lớn đối với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Chỉ cần một lễ hội diễn ra trong tháng Giêng thì có khi là nguồn thu chính của người dân địa phương đó trong cả năm.
Trong nền kinh tế thị trường, yếu tố cung cấp và phục vụ sẽ luôn diễn ra vào mọi thời điểm. Những sự đổi thay có thể nhìn thấy được trong không khí làm việc những ngày đầu xuân mới là một tín hiệu tốt, cho thấy tính chuyên nghiệp ngày càng cao của nền kinh tế đất nước.
QUANG HƯNG