Đầu tháng 7, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa đã điều ô tô chở hàng trăm bà con đồng bào dân tộc thiểu số về quê khi phát hiện họ đang phải đi bộ dọc quốc lộ vì không có phương tiện... Rồi các “Siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”, các hoạt động tặng thực phẩm, bữa ăn cho người nghèo, bệnh nhân nghèo xuất hiện ngày càng nhiều.

Những hành động, việc làm như thế thật trân quý trong thời điểm nhiều tỉnh, thành phố buộc phải thực hiện cách ly xã hội để ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát. Chúng ta đều hiểu, việc cách ly xã hội gây khó khăn cho cuộc sống và cả tâm lý của mỗi người như thế nào. Đại dịch Covid-19 không chỉ đe dọa sức khỏe, tính mạng của mọi người mà còn đang gây ra những tổn thương đối với xã hội, đặc biệt là đối với người nghèo, lao động thu nhập thấp, người có việc làm không ổn định. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do mức độ ảnh hưởng của dịch rất rộng, nguồn lực từ ngân sách không thể bảo đảm hết nên rất cần sự chung tay của xã hội.

Trao tặng rau xanh hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh tại Siêu thị 0 đồng trên địa bàn xã Phước Hưng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: QĐND 

Đối với cộng đồng, đại dịch Covid-19 gây tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi rằng mình có thể bị mắc bệnh, có nguy cơ tử vong, nhất là ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính. Những trẻ em phải đi cách ly, không được gần bố mẹ; rồi sự kỳ thị đối với những gia đình có người mắc bệnh; hay những người bị mất mát người thân vì dịch bệnh... đều bị tổn thương tâm lý. Việc cách ly tại nhà khiến người dân không được giao tiếp, khiến sự bức bối, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân của stress, trầm cảm. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các nước phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân trong đại dịch Covid-19.

Hơn lúc nào hết, trong lúc này, chúng ta cần phát huy cao độ truyền thống "tương thân tương ái", “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. Mỗi người cũng nên tự đặt mình vào vị thế của người khác để cảm thông, thấu hiểu. Sự dồn tụ về tâm lý dễ gây ra bức xúc, hành động nóng nảy không đáng có. Vào những lúc như thế, lời thăm hỏi, động viên, cùng chia sẻ với nhau khó khăn sẽ giúp giải tỏa bức xúc. Mỗi người chúng ta cũng nên quan tâm đến những người họ hàng, hàng xóm, người trong cộng đồng, để không ai bị đói ăn, đứt bữa, chật vật vì những khó khăn hiện nay.

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, giữa đêm khuya, tổ tuần tra đã dừng xe một nam thanh niên phóng nhanh trên đường. Về lý, thanh niên này có thể sẽ bị xử phạt do ra đường vào khung giờ giới nghiêm. Thế nhưng, khi biết nam thanh niên này về nhà gấp do người thân vừa mất, tổ tuần tra đã chủ động đưa nam thanh niên qua các chốt kiểm dịch để kịp về với gia đình... Vì cảm kích trước sự vất vả của lực lượng ở tuyến đầu, những ngày qua, rất nhiều người dân đã tặng các y, bác sĩ, lực lượng chức năng ở các chốt kiểm dịch đồ ăn, nước uống, thư cảm ơn. Những hành động thấu hiểu như thế sẽ đi vào trái tim.

Trên thế giới này, chỉ có dân tộc ta mới gọi nhau bằng đồng bào. Vì thế, trong những lúc nguy nan, tình đồng bào sẽ là thứ vô giá giúp chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn.   

HỒ QUANG PHƯƠNG