Vậy là, tiếp đà mọi năm trên các cửa ngõ thành phố đâu cũng có chợ hoa, chợ hoa len lỏi vào cả những vườn hoa, bãi đất trống và vỉa hè lớn cả nơi phố cũ, phố mới. So với thời cả Hà Nội chỉ có một chợ hoa Hàng Lược mới thấy sự phát triển cả về dân số cùng nhu cầu chơi hoa Tết của người Hà Nội. Nhiều, rất nhiều chợ hoa là tiện lợi cho người mua, người bán nhưng nhiều chợ hoa mà Hà Nội chưa có đường hoa như đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) để người người đi ngắm trong những ngày Tết và cả những ngày sau Tết.

leftcenterrightdel
Thiếu nữ bên hoa đào ngày Tết. Ảnh minh họa 

Người yêu hoa đâu chỉ muốn mua hoa, họ còn cần một địa chỉ du xuân ngắm nghía, thưởng lãm vẻ đẹp của hoa, cây cảnh. Người Hà Nội càng vậy. Nhớ một thời “Hội hoa xuân Hà Nội”. Ấy là những năm tháng chiến sự xảy ra ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc nhưng cũng chính là lúc “Hội hoa xuân Hà Nội” mở ra mỗi độ Tết về tại Công viên Thống Nhất bên hồ Bảy Mẫu. Hội mở suốt thời gian khá dài từ cận Tết đến cả tháng đầu xuân. Hoa và cây cảnh đủ loại từ các làng nội ngoại thành và vài tỉnh lân cận hội tụ. Người ta làm nhiều thứ bệ, giá, giàn để trưng bày tuy còn đơn sơ, mộc mạc. Người đi hội hoa thích nhất là ngắm và phẩm bình về các dò phong lan, các loại hoa và cây cảnh quý lạ, ít có. Không chỉ thanh niên mà cả người già, trẻ em đều thích chụp ảnh lưu niệm bên các dãy hoa, giàn hoa. Hội hoa xuân Hà Nội thuở ấy trở thành điểm đến, điểm hẹn của người Hà Nội và người nhiều miền quê trong những ngày Tết. Người đi công tác miền biên giới về cũng tranh thủ đến với hội hoa…

Thế rồi không biết vì lý do gì mà hàng chục năm lại đây, Hội hoa xuân Hà Nội ấy không còn. Không gian Công viên Thống Nhất chỉ mở chợ Tết trước Tết còn những ngày Tết và sau Tết trở lại vắng vẻ. Thay vì đó, người ta tổ chức trưng bày đường hoa ở quanh Hồ Hoàn Kiếm. Nhưng vì không gian quá chật hẹp  nên hoa, cây cảnh, các kết cấu tạo hình không thể có không gian để bày biện, trang trí và người xem quá đông nên việc duy trì trật tự, vệ sinh rất khó khăn dẫn tới có năm diễn ra cảnh giẫm chân lên cỏ, xô đổ nát chậu hoa và cả tranh cướp hoa, cây cảnh.

Một giải pháp khác được Hà Nội tổ chức mấy năm gần đây là trưng bày cây cảnh ở khuôn viên Thành cổ và Bảo tàng Hà Nội. Có được vậy là quý lắm rồi nhưng riêng mình cây cảnh không thể thỏa mãn được thú thưởng ngoạn hoa xuân như tính chất của hội hoa. Không có hội hoa, đường hoa, tuổi trẻ Hà Nội rủ nhau đến làng hoa Nhật Tân hay các làng hoa vùng ven du xuân. Và dịch vụ dựng cảnh khuôn viên vườn hoa xuân, nửa thực, nửa giả để nam thanh nữ tú tha hồ bấm máy ảnh và… trả tiền.

Hà Nội có ưu thế về đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng để trồng nhiều loại hoa, cây cảnh, nhu cầu chơi hoa, cây cảnh của người Hà Nội và các tỉnh lân cận ngày càng cao nhưng tại trung tâm thành phố không có những đại lộ đủ lớn để có thể tổ chức đường hoa cho người dân dạo cảnh ngắm hoa. Những phương án biến khu đất ven bờ hữu ngạn hay Bãi Giữa sông Hồng thành khu công viên giải trí đã trở nên cấp thiết từ lâu nhưng chưa thể thành hiện thực không biết vì lý do kinh phí tốn kém hay chưa có phương thức tổ chức khả thi. Chính vì vậy việc tận dụng, phát huy những không gian sẵn có ở các công viên như: Thống Nhất, Tây Hồ, Thanh Nhàn, Yên Sở hay không gian quanh Sân vận động Mỹ Đình để mở hội hoa,  nên chăng được tính đến.

Thêm một không gian hoa, cây cảnh là thêm một địa chỉ du xuân cho người ở Hà Nội và cả những người trở lại Hà Nội sau những ngày về quê xa ăn Tết.

NGUYỄN MẠNH