Ngày tựu trường luôn là ngày hội, với những cảm xúc thiêng liêng, những kỷ niệm đẹp, khó quên đối với thầy cô giáo, học sinh. Tuy nhiên, để ngày khai trường thực sự là ngày vui trọn vẹn, thì sự nỗ lực, cố gắng của các nhà trường, các thầy cô giáo là chưa đủ, mà rất cần sự chung tay góp sức của các bậc phụ huynh, các cấp chính quyền và toàn xã hội, nhất là ở địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa... còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Nhiều người trong chúng ta từng thuộc lòng câu ca dao: “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, nhưng ở nhiều xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa…, điều kiện hết sức khó khăn, thì các giáo viên lại xác định và thực hiện: “Muốn các em hay chữ, thầy phải yêu lấy trò”. Thật đáng trân trọng, ngay từ tháng 8, nhiều thầy cô giáo ở các bản làng vùng cao, miền núi, biên giới, đã không quản đường xa, đèo dốc, mưa lũ…, đến từng nhà vận động phụ huynh và học sinh; cùng chính quyền, các nhà hảo tâm… giúp đỡ về vật chất, tinh thần để các em trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Được chính quyền các cấp quan tâm, các tổ chức, cá nhân ủng hộ, phụ huynh đóng góp…, nhiều lớp học, điểm trường, nhà bán trú cho các em đã được nâng cấp, sửa chữa, làm mới, không còn cảnh tạm bợ, mưa dột, gió lùa…
Năm học này, nhiều gia đình ngư dân ở các tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố ô nhiễm môi trường; ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão lũ, điều kiện kinh tế và hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Nhờ các chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, ngành giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) các địa phương… các em đã có đủ sách vở, đồng phục cho ngày khai trường; được trao học bổng và đề nghị xem xét miễn giảm học phí.
Đồng hành với các thầy cô giáo, nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP), với tất cả tinh thần trách nhiệm và tình thương yêu con trẻ, đã không quản ngại khó khăn, vất vả, đến từng nhà dân, từng thôn, bản, điểm trường, vừa “3 cùng” với dân, vừa tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đến lớp; vận động tặng quà, sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp… cho trẻ em nghèo đến trường. Đặc biệt, Chương trình "Nâng bước em tới trường", do Bộ tư lệnh BĐBP phát động, đến nay sau gần 2 năm thực hiện, toàn lực lượng BĐBP đã nhận đỡ đầu hơn 3.000 học sinh ở địa bàn biên giới có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng; được các cấp, ngành, địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Quyết tâm cao không để trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường, đồng thời đổi mới hình thức tổ chức lễ khai giảng…, cũng chính là thể hiện sự đổi mới và quyết tâm của ngành GD-ĐT, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; khắc phục triệt để bệnh hình thức, bệnh thành tích trong GD-ĐT.
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là cơ sở và đòn bẩy để chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục một cách bền vững; đồng thời huy động sức mạnh, nguồn lực, sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội cho sự nghiệp “trồng người”. Trong khi chờ những đổi mới về chương trình và sách giáo khoa sau năm 2018, ngay trong năm học này, ngành GD-ĐT nhiều địa phương chủ động thực hiện nhiều đổi mới như: Giảm tải chương trình học đối với học sinh phổ thông; tăng cường giáo dục văn-thể-mỹ trong trường học; ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy học tích cực…
Mục tiêu cao nhất mà chúng ta hướng tới và đạt đến là sau lễ khai giảng trang trọng, ý nghĩa sẽ tiếp tục là những ngày vui học tập, rèn luyện toàn diện, thực chất, hứng thú… của học sinh; thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, để cung cấp cho xã hội những “sản phẩm” giáo dục chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, phát triển nhanh, bền vững đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
ANH QUÂN