leftcenterrightdel
Chơi cờ thế ăn tiền ở một lễ hội. Ảnh: Trần Linh. 
Khi mùa xuân đến, từ trước và sau Tết Nguyên đán, khắp các địa phương cả nước bước vào lễ hội. Đi hội, được hòa vào dòng người đông đúc, nhộn nhịp; được tận hưởng cuộc sống cộng đồng đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống xưa nay của người Việt ở mọi miền đất nước. Đến với lễ hội trong tiết mùa xuân ấm áp, thanh bình, người người thành kính tưởng nhớ tới công lao xây dựng, gìn giữ non sông, xã tắc, xóm làng của các bậc tiền nhân, anh hùng dân tộc. Họ thành tâm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; cầu may, cầu bình an... Các lễ hội truyền thống ở nước ta là “đặc sản” thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài. Cũng ở lễ hội, người dân được xem, được tham gia vào các trò chơi dân gian thể hiện trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thượng võ, vẻ đẹp văn hóa và sức mạnh cộng đồng.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội, nhiều năm gần đây, dư luận “dậy sóng” với những lễ hội phản cảm, bạo lực, không phù hợp với nếp sống văn minh, như: Chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội cướp Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ). Đặc biệt, có những lễ hội mang nặng tính thương mại, trục lợi. Trong công văn ngày 15-2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn ra một loạt các lễ hội có biểu hiện thương mại hóa, trục lợi, trái với quy định tại Yên Bái, Tuyên Quang; khai ấn, phát ấn tại Quảng Ninh, Nghệ An...

Có thể nói rằng, vì lợi ích kinh tế, dưới sức ép của đồng tiền, dưới chiêu bài quảng bá hình ảnh địa phương, nhiều nơi đã phục dựng, phát sinh những lễ hội không phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại. Đáng buồn hơn là, lợi dụng chủ trương “xã hội hóa”, nhiều nơi tổ chức lễ hội nhằm trục lợi. Tại các lễ hội ấy, nhiều mặt hàng chẳng liên quan gì đến lễ hội được bày bán; nhiều trò chơi giải trí có thưởng kích thích, thu hút sự hám lợi của người dân được tổ chức. Đằng sau những trò chơi giải trí ấy là hiện tượng cá cược ăn tiền với quy mô khác nhau, dễ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Tất cả những tồn tại trên đã làm giảm phần nào giá trị văn hóa lễ hội.

Để lễ hội mang đầy đủ ý nghĩa tâm linh, giáo dục và khơi dậy bản sắc văn hóa, thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam; để quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế thì rất cần các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương quyết liệt hơn, mạnh tay hơn chấn chỉnh, xử phạt, loại bỏ những hình thức tổ chức lễ hội phản cảm, trục lợi.

MẠNH THẮNG