Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Gia đình và Trẻ em
Đặc biệt, trong kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS ở các cấp, đều phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện, tránh phô trương hình thức. Các hoạt động kỷ niệm với phương châm hướng mạnh về cơ sở, tuyên truyền sâu rộng; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nâng cao nhận thức và thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng; đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”.
Với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân và phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn gương mẫu đi đầu, đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong công tác “đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội.
Đặc biệt, trong dịp này, các đơn vị trong toàn quân đều phát động thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, trong đó thi đua thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 9799/KH-BQP của Bộ Quốc phòng về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS; tập trung hoàn thành tốt Chương trình xây dựng 500 căn “Nhà tình nghĩa”, 200 căn “Nhà đồng đội” tặng các đối tượng chính sách; Chương trình “Áo ấm tặng thương binh, bệnh binh nặng”, “Áo lụa tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do quân đội phụng dưỡng; tích cực đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”; thăm và tặng quà các trung tâm điều dưỡng thương binh; thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, bộ, ngành, các lực lượng đẩy mạnh hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn đóng quân.
Ngược dòng lịch sử, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Với sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Người, cách đây tròn 70 năm đã ra đời “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên (27-7-1947). Từ đó ngày kỷ niệm ý nghĩa này được tổ chức đều đặn hằng năm.
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong suốt 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, thể hiện sự trân trọng, biết ơn và chăm lo của Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân đối với NCC với cách mạng. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân ngày càng tích cực tham gia các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NCC và gia đình NCC.
Ưu đãi NCC với cách mạng là một chính sách lớn, hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ mang tính chính trị, kinh tế, xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện “đền ơn đáp nghĩa” đối với NCC. Thực hiện tốt chính sách đối với NCC vừa là tình cảm, trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội và còn là yếu tố thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới.
Những năm qua, hành lang pháp lý để thực hiện chính sách ưu đãi NCC ở nước ta ngày càng đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách đối với NCC còn để kéo dài; một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm NCC được được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, đồng thời ngăn ngừa, xử lý nghiêm những sai sót, tiêu cực trong lĩnh vực này, góp phần tăng niềm tin, sự tôn vinh, lòng biết ơn của xã hội đối với NCC.
Với tinh thần đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả, nhất là những bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về ưu đãi NCC; nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, ban hành Luật Ưu đãi NCC với cách mạng.
Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tập trung nguồn lực để giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với NCC, như tăng mức trợ cấp; quan tâm dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh… Cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa phong trào chăm sóc NCC thông qua các chương trình tình nghĩa, vận động toàn dân tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, huy động nguồn lực to lớn từ cộng đồng, xã hội, cùng Nhà nước chăm lo cho NCC.
Các mô hình xã, phường làm tốt công tác TB-LS; những tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC tiêu biểu; các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong phong trào "đền ơn đáp nghĩa"... cần được tuyên truyền sâu rộng, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng, góp phần thiết thực cải thiện đời sống của NCC, ổn định chính trị xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội và nét đẹp văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”của dân tộc Việt Nam.
ANH QUÂN