Trong kinh doanh, người ta vẫn nhắn nhủ, nhắc nhở nhau rằng, “giữ chữ tín hơn giữ vàng” hay “quý chữ tín hơn cả vàng bạc”. Chữ tín lúc này không đơn thuần chỉ là một cử chỉ niềm tin dành cho nhau, mà hơn thế, nó trở thành vấn đề cốt tử của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Thế nên, không ngẫu nhiên mà cách đây hai năm, trong Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, lần đầu tiên Đảng ta đã khẳng định: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”. Cũng không ngẫu nhiên mà mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Việc ra đời ngày này cũng không ngoài mục đích nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và qua đó, góp phần kiến tạo, thúc đẩy môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu mà doanh nghiệp luôn hướng tới. Muốn đạt được lợi nhuận tối đa, doanh nghiệp nhất thiết phải có nhiều phương thức cạnh tranh để tồn tại, phát triển. Trong sự cạnh tranh đó, nếu doanh nghiệp lợi dụng khe hở của luật pháp và bất chấp đạo lý, đạo đức kinh doanh để kiếm lời thì cũng có thể đạt được nhiều lợi nhuận, nhưng sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, môi trường văn hóa xã hội và môi trường sinh thái. Đây là cách thức làm ăn nông nổi, chụp giật, được chăng hay chớ, chỉ tính đến lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ nên trước sau cũng sẽ bị tẩy chay, đào thải. Ngược lại, nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đàng hoàng, chấp hành đúng pháp luật, giữ được chữ tín, thuyết phục khách hàng bằng những sản phẩm chất lượng, thái độ phục vụ chu đáo và gắn trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, thì doanh nghiệp nhất định tồn tại và phát triển bền vững.

Uy tín, thương hiệu của một doanh nghiệp không dừng lại ở những mặt hàng, sản phẩm “đỉnh cao” chất lượng, được khách hàng ưa chuộng, mà hơn thế, phải được tạo dựng niềm tin tuyệt đối đối với cộng đồng và xã hội. Một doanh nghiệp biết tạo dựng niềm tin như thế là một doanh nghiệp có văn hóa. Văn hóa lúc này vừa là “bà đỡ” góp phần chăm chút, nâng niu thương hiệu doanh nghiệp, vừa là một cách tiết chế, kiểm soát, khắc phục những “lỗ hổng” về đạo đức kinh doanh mà doanh nghiệp có thể mắc phải trong cơ chế thị trường.

Mặt khác, nhìn từ phương diện văn hóa học, “văn hóa” có xuất phát điểm khởi nguyên là “gieo trồng”, thì mở rộng khái niệm này ra, khi doanh nghiệp biết nuôi dưỡng, chăm sóc và không ngừng làm giàu văn hóa cho mình, thì nhất định doanh nghiệp sẽ ngày càng làm ăn phát đạt, gặt hái được nhiều thành quả tốt lành. Đây không phải là lời nói mỹ miều, sáo rỗng, mà thực tế đã chứng minh rằng, những doanh nghiệp xuyên quốc gia, những doanh nhân tầm cỡ thế giới, những hãng sản xuất “nổi đình nổi đám” toàn cầu và những thương hiệu sản phẩm có mặt khắp năm châu bốn biển, bao giờ cũng được xây dựng, vun đắp, lớn lên trên nền tảng vững chắc của văn hóa doanh nghiệp và được kết tinh từ các hàm lượng văn hóa, bằng các giá trị văn hóa đích thực.

THIỆN VĂN