Mới đây, vấn đề lại nóng lên với việc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai có công văn kiến nghị gửi Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ nút thắt giá cho 629MW điện gió chưa được công nhận vận hành thương mại, chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia, dù dự án đã hoàn thành từ nhiều tháng trước. Nguyên nhân phần công suất này chưa được khai thác là do chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió được hoàn thành sau ngày 31-10-2021.

Tuy nhiên, không chỉ có các dự án điện gió tại Gia Lai rơi vào tình trạng chờ giá, chờ cơ chế để rồi chưa được công nhận vận hành thương mại, chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia, mà đây là câu chuyện khá phổ biến trong vài năm qua trong phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Bộ Công Thương 

Trước đó, chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió: Nhơn Hội (Bình Định), Nam Bình 1 (Đắc Nông), Cầu Đất (Lâm Đồng) và Tân Tấn Nhật (Kon Tum)... cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị tháo gỡ khó khăn khi các dự án đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của họ không được công nhận sản lượng, hoặc hoạt động mà chưa được thanh toán tiền, có nguy cơ phải dừng hoạt động khi chưa có chính sách giá mới, nguy cơ phá sản cận kề.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện vẫn còn nhiều dự án, phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không kịp hưởng giá ưu đãi cố định (FIT) được quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hay Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Theo các quyết định này, các điều khoản về giá FIT đã không còn áp dụng cho các dự án điện mặt trời vào vận hành sau ngày 31-12-2020 và các dự án điện gió vào vận hành sau ngày 31-10-2021. "Lỡ hẹn" hưởng giá FIT trong khi các cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế giá mới khiến nhiều dự án điện gió, điện mặt trời không được mua điện, huy động.

Việc các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng xong nhưng không được mua điện, huy động khiến các chủ đầu tư như “ngồi trên đống lửa”. Bởi họ đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho một dự án nhưng không bán được điện, điều này đồng nghĩa doanh nghiệp không có doanh thu trong khi khoản vay và khoản lãi vay ngân hàng đã đến hẹn phải trả.

Điều đáng nói nữa là, giữa bối cảnh nước ta luôn phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện thì nghịch lý là một số dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành, sẵn sàng cung ứng điện để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia lại rơi vào cảnh... "đắp chiếu".

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều tháng chờ đợi, chính sách phát triển tiếp theo cho điện gió và điện mặt trời vẫn chưa có.

Điều cấp thiết lúc này là sớm có cơ chế giá mới cho điện gió, điện mặt trời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, củng cố niềm tin của nhà đầu tư-những người đã nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi, khuyến khích của Nhà nước bỏ tiền vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

 VŨ DUNG