Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đây là hoạt động được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt cả năm và do cấp ủy, chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Với sự tham gia của các ngành, cơ quan chức năng, nhất là báo chí, truyền thông nên việc TTPBGDPL đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, toàn bộ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước... đều được tuyên truyền trực quan trong các khu phố, làng xã và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Nhờ vậy tinh thần “thượng tôn pháp luật” dần được hình thành trong đời sống xã hội. Đại đa số người dân đều hiểu, đều thực hiện tốt phương châm: Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là nhân tố quan trọng trực tiếp góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ảnh minh họa. Nguồn: bienphong.com.vn

Tuy nhiên, cũng từ thực tế vận hành của xã hội cho thấy, hiện vẫn còn những “vùng lõm, vùng trũng” về TTPBGDPL. Nghĩa là vẫn còn những địa phương, cơ quan, đơn vị chưa làm tốt việc TTPBGDPL, do đó tinh thần, nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước chưa đến được với người dân. Hoặc cũng có ngành, địa phương đã tiến hành TTPBGDPL, nhưng cách làm khô cứng, mòn xáo, khiến các nội dung căn bản của pháp luật không thấm vào quần chúng nhân dân. Điều này trực tiếp dẫn đến hiện tượng người dân thiếu hụt kiến thức về pháp luật, hành động vi phạm pháp luật một cách tự nhiên. Đây cũng là một trong những nguồn gốc sâu xa làm phát sinh các “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nảy sinh các vụ khiếu kiện đông người, tuần hành bất hợp pháp... gây mất ổn định về an ninh trật ở các địa phương. Hiện tượng người dân thiếu hiểu biết về pháp luật chính là rào cản của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và làm hạn chế kết quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng tới tiến độ CNH, HĐH đất nước. Thế nên, công tác TTPBGDPL dứt khoát phải được rà soát, tổ chức lại bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả trên cả nước.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng cần phải nhận thức rõ, việc TTPBGDPL là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Xác định như vậy là vì, muốn người dân đồng lòng, hiệp sức với cấp ủy, chính quyền, hướng vào thực hiện mục tiêu chung thì họ phải là những người được hướng dẫn và có hiểu biết về pháp luật. Hay nói cách khác, pháp luật khi được thẩm thấu vào nhân dân thì sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất về ý chí và hành động của quần chúng nhân dân. Do đó, cùng với việc xác định rõ trách nhiệm của mình, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên rà soát, xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ TTPBGDPL, bảo đảm họ phải là những người có hiểu biết, có chuyên môn, nghiệp vụ về pháp luật, đồng thời phải khuyến khích đội ngũ này không ngừng sáng tạo trong quá trình tổ chức TTPBGDPL cho quần chúng nhân dân. Công tác TTPBGDPL phải được tiến hành rộng rãi, thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dần thấm lâu” đến mọi tầng lớp nhân dân. Tuyệt đối tránh hiện tượng TTPBGDPL kiểu đối phó, “năm thì mười họa”, hoặc chỉ nặng về hình thức, thành tích. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần tích cực xây dựng những mô hình, điển hình về phổ biến và chấp hành pháp luật, mô hình về thực hiện quy chế dân chủ... để làm cơ sở rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã hội. Trong quá trình TTPBGDPL, phải tích cực đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật, hoặc lợi dụng khe hở của pháp luật để trục lợi, xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của người khác.

Một xã hội văn minh là xã hội mà trong đó mọi người đều có hiểu biết, có kiến thức về pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đó chính là xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực xây dựng.

TRẦN TUẤN