Trước hết, phải khẳng định, thương hiệu gạo Việt Nam đã và đang được xây dựng, tồn tại trên thị trường quốc tế. Việt Nam luôn nằm trong tốp vài nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Gạo Việt Nam được định giá thấp như hiện nay do có nhiều nguyên nhân, nhưng trước tiên là do chất lượng gạo Việt Nam chưa cao. Bởi vậy, muốn nâng cao giá trị xuất khẩu gạo, muốn gạo Việt Nam được định hình là thương hiệu mạnh, chỉ có cách nâng cao chất lượng gạo. Và đó là yêu cầu số 1 trong xuất khẩu gạo hiện nay.

leftcenterrightdel
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh minh họa: TTXVN. 

Nâng cao chất lượng gạo Việt Nam, vấn đề cốt lõi là phải nâng cao được chất lượng giống lúa. Muốn nâng cao được chất lượng giống lúa đòi hỏi phải có những chuyên gia lai tạo giống giỏi và được đầu tư bài bản. Bởi thế, cái gốc của vấn đề là cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác nghiên cứu, lai tạo giống, để có được những giống lúa mới vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam, vừa có năng suất, chất lượng tốt nhất. Có giống tốt, nhưng không hẳn đã có hạt gạo tốt, cái chính là nông dân Việt Nam cần phải được cung cấp và thực hiện nghiêm quy trình sản xuất lúa hiện đại theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ khi ứng dụng vào trong sản xuất. Mặt khác, cũng phải bảo đảm các vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không giải quyết được tận gốc, chất lượng gạo Việt Nam sẽ khó được cải thiện trên thang điểm đánh giá hiện nay.

Chinh phục được người tiêu dùng là cả bài toán đặt ra với người sản xuất. Việt Nam hiện có nhiều giống lúa cho chất lượng gạo tốt nhưng khẳng định được thương hiệu ở những thị trường khó tính trên thế giới thì gạo Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục "nâng tầm" mình trong tương lai. Để gạo Việt Nam ngày càng được ưa chuộng không chỉ với người dân trong nước có thu nhập cao mà cả người dân ở nhiều quốc gia khác, ngoài cải thiện chất lượng giống lúa, tập quán canh tác nhỏ lẻ, theo hộ gia đình cũng cần sớm được thay đổi. Chính quyền địa phương các cấp và các nhà khoa học cũng cần vận động, hướng dẫn bà con trồng cùng một loại giống lúa để tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng gạo thuần nhất. Thực tế hiện nay, tình trạng một cánh đồng có nhiều hộ dân cùng cấy nhiều giống lúa khác nhau đang trở nên phổ biến, làm phát sinh hiện tượng thụ phấn chéo khi lúa trổ bông, làm giảm sút chất lượng gạo Việt do lai tạp khi phấn hoa loại cây lúa này theo gió bay sang thụ phấn với những cây lúa khác. Việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chung tay hơn nữa với người nông dân, đồng hành hơn nữa với người nông dân để giữ gìn chất lượng gạo Việt Nam thông qua bao tiêu sản lượng... cũng sẽ giúp thương hiệu gạo Việt Nam đứng vững hơn trên thị trường quốc tế.

Xây dựng được thương hiệu gạo tốt đã là rất khó, nhưng nếu không giữ gìn và phát huy, mọi nỗ lực sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Do đó, giữ và phát huy chất lượng gạo Việt Nam cho thật tốt, xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng thì ngành nông nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để gạo Việt chiếm lĩnh thị trường thế giới.

CHIẾN THẮNG