Có lẽ càng ngày chúng ta càng cảm nhận được sự quan trọng của cây xanh đối với sự sống của con người, nhất là trong những năm gần đây khi tình trạng lũ lụt diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây những tổn thất nặng nề về người và tài sản. Với 3/4 diện tích nước ta là đồi núi, nếu không được phủ xanh bằng những cánh rừng, để giữ nước, thẩm thấu nước, thì sau những trận mưa sẽ có những túi nước khổng lồ đổ xuống nhấn chìm phố phường, làng mạc dưới xuôi. Nghiên cứu của quốc tế đã chỉ ra rằng, nước ta sẽ nằm trong nhóm nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Các nhà khoa học và chính kết quả thực tiễn đã cho thấy, để chống lại hiện tượng đó, không thể bằng cách nào khác ngoài việc chúng ta phải đẩy mạnh việc trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng cây chắn sóng biển. Bởi không có công trình, đê biển, sắt thép bê tông nào của con người có thể chống lại sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên, nếu như chúng ta không dùng chính thiên nhiên để điều hòa thiên nhiên.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn 

Thế mà, trong những năm gần đây, với sức ép từ sự phát triển dân số, quá trình đô thị hóa, diện tích rừng, diện tích cây xanh có xu hướng bị thu hẹp. Không ít cánh rừng đã biến mất. Do những bất hợp lý trong việc quy hoạch, cuộc sống đô thị lớn tại Việt Nam nhiều lúc cảm giác như ngột ngạt bởi bê tông, thiếu không gian cây xanh. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mật độ cây xanh trên đầu người còn ở mức thấp so với nhiều đô thị trên thế giới. Theo thống kê mới đây, mật độ cây xanh công cộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa tới 1m2/người.

Vấn đề trồng rừng phủ xanh đất nước luôn nằm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra. Mục tiêu Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu rõ, đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của nước ta phải là 42%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy không phải chỉ là trách nhiệm của bộ, ngành, chính quyền địa phương, mà tất cả hệ thống chính trị, mọi người dân đều phải vào cuộc trong việc trồng và bảo vệ cây xanh.

Đáng mừng là việc trồng cây xanh đã trở thành một nếp sống đẹp được phổ biến ngày càng rộng rãi trong xã hội. Khi đến thăm các địa phương, đơn vị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội thường hay trồng cây xanh làm kỷ niệm. Hầu hết các địa phương đều đã có phong trào trồng cây, gây rừng, được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là vào dịp đầu xuân, các địa phương đều tổ chức Tết trồng cây, thu hút đông đảo nhân dân, mà lực lượng chủ lực là đoàn viên, thanh niên.            

Nhiều mùa xuân đã đi qua, kể từ mùa xuân đầu tiên Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Giờ đây, những cây xanh do Bác tự tay trồng đã trở thành những cây đại thụ, vươn tán che mát cả một vùng. Những cái cây ấy không chỉ giúp cho cảnh quan, cuộc sống của người dân địa phương trở nên mát lành hơn, mà nó còn là những bài học sống động, sâu sắc về việc con người phải luôn có ý thức tác động làm giàu hóa thiên nhiên. Con người dù có thông minh, tài giỏi đến đâu thì cũng khó có thể chiến thắng được sức mạnh thiên nhiên. Điều giúp con người có thể tồn tại dài lâu đó là phải luôn sống hài hòa với thiên nhiên. Và việc giáo dục ý thức trồng, bảo vệ cây xanh cũng là biểu hiện của điều đó. Trồng cây cũng chính là góp phần trồng người!

HỒ QUANG PHƯƠNG