Nhiều việc thật đấy nhưng vì sao chỉ khi có việc cán bộ mới đến nhà dân, trong khi cuộc sống mỗi cộng đồng dù rất nhỏ cũng luôn có muôn vàn thứ việc nảy sinh?

Nhà anh chị này chứa hàng lậu, quán nước kia có dấu hiệu bán ma túy, bánh bún nhà hàng nọ dùng thực phẩm bẩn, gà vịt hàng kia bị nhồi, bị tiêm… Rồi thì nhà này cơi nới vừa mất an toàn vừa xấu, anh chị nhà kia hay cãi vã, chồng đánh vợ. Đám trẻ mới lớn nhà này hút hít, trộm cắp. Nhà này, nhà kia hay đổ rác trộm ra đường, hàng này hàng khác đun than, chữa xe máy xông khói mù mịt sang các nhà bên… Lớn hơn nữa là chuyện lấn chiếm đất công, xây nhà không phép, là chuyện tụ tập đánh bạc, hút chích, mại dâm, tàng trữ vũ khí… Đó là những điều không dễ nói trong các cuộc họp dân công khai. Người ta ngại việc "chĩa mũi" vào việc hàng xóm láng giềng, sợ bị trả thù. Người ta cũng chẳng thể có bằng chứng hai năm rõ mười. Mọi người bị đủ thứ lề thói tế nhị, biết điều, biết giữ mồm giữ miệng níu giữ…

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/TTXVN.  

Những chuyện ấy có chăng chỉ có thể tâm sự với cán bộ sau cánh cửa nhà mình. Ngược lại, có biết bao điều tốt đẹp, bao ý tưởng, ý kiến, đề xuất cách làm mới mà những người có hiểu biết, từng trải muốn đóng góp cho xóm ta, làng ta, phường ta. Hầu như chẳng mấy người tự dưng xin đến gặp cán bộ để tố cáo, phát hiện điều này, góp ý, đề xuất điều kia. Giá như cán bộ đến nhà.

Vì sao gần đây không chỉ cán bộ phường, xã mà ngay cả những cán bộ tổ dân phố, thôn làng cũng ít đến nhà dân? Vì sao anh cảnh sát khu vực cũng chỉ thi thoảng đến gặp tổ trưởng dân phố mà không thăm nom nhà dân? Có phải tại công việc quá bận bịu hay vì đã có “đường dây nóng”, “camera an ninh”, có đài phường đài xã? Nền nếp tiếp dân đã nhuần nhị đủ để mọi việc đều trôi chảy, đủ đầy? Hay phong cách hành chính hóa, công chức hóa chờ đợi thụ động đã giữ chân họ ở lại trụ sở? Nhân dân là tai mắt, là sáng kiến, là lực lượng tối lửa tắt đèn bảo nhau, giúp nhau, không gần dân, đến với dân, không bám nắm những diễn biến trong ngõ ngách dân cư không thể hiểu biết rõ tình hình, chủ động phòng, chống xây dựng, giải quyết, đối phó. Cán bộ cấp trên cần vi hành đã đành nhưng cán bộ cơ sở cũng ít đến với dân. Thế mới có bao việc làm sai trái, bao vụ tai nạn cháy nổ, đổ nhà, tệ nạn xã hội hay bất hòa, mâu thuẫn nặng nề xảy ra ngay trên địa bàn mà cán bộ cơ sở coi là "bất ngờ".

Thực tế, có biết bao vụ việc mà tự thôn xóm, phố phường có thể giải quyết, bàn bạc với dân, vận động dân chung tay góp sức mà giải quyết, vậy mà cứ phải chờ đợi, đùn đẩy, phải đưa lên cấp trên. Một đoạn kênh mương ứ tắc, ô nhiễm vì rác thải, một con đường lồi lõm, một mái trường dột nát cũng phải chờ trên. Học nhau, noi nhau mà làm, “dễ trăm lần không dân cũng chịu”, chỉ có gần dân, đến với dân, có tâm có tình gắn bó với dân thì mới tạo được sự đồng thuận, khơi được sức người, sức của trong dân.

Cán bộ phải dựa vào dân và ngược lại, dân cũng luôn cần dựa vào cán bộ để được trao đổi, hướng dẫn giải quyết những vấn đề của mình và đóng góp xây dựng cuộc sống chung. Trong đáy lòng người dân vẫn luôn tin cậy, thương yêu những cán bộ tận tụy, gần gũi. Ai chẳng mong thỉnh thoảng có cán bộ thăm nhà, lúc thường chứ chẳng phải cứ khi “có việc”.

NGUYỄN MẠNH