Theo đó, tính tới thời điểm này, chúng ta đang có hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm, chiếm 24% lực lượng lao động trong tổng số 54 triệu người lao động. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2020 sẽ có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH (tương đương khoảng 29 triệu người lao động). Khoảng cách từ 13 triệu lên 29 triệu người lao động là rất lớn và không dễ dàng thực hiện trong khoảng thời gian vài năm nữa.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/nguồn internet.
BHXH được coi là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Nhằm bảo đảm an sinh xã hội và quyền lợi người lao động, trong những năm qua, chính sách BHXH của chúng ta được cải cách theo hướng dần mở rộng đối tượng tham gia và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với nhu cầu và đòi hỏi tất yếu của sự phát triển xã hội thì những kết quả đạt được ở lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn. Luật BHXH (sửa đổi) đã đánh dấu một bước tiến quan trọng với nhiều bổ sung, điều chỉnh về chính sách, nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Khó nhất là mở rộng đối tượng bảo hiểm tự nguyện, bởi nhiều năm qua, tỷ lệ đối tượng này tăng thấp. Điều này cho thấy, các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực phi chính thức. Do thu nhập của người dân còn thấp và mất cân đối giữa các đối tượng lao động nên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm; nhận thức của một số người sử dụng lao động, người lao động còn hạn chế; tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng BHXH diễn biến phức tạp và xuất hiện ở tất cả các địa phương…

Đề ra mục tiêu đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn. Do đó, để thực hiện được mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH đòi hỏi cả hệ thống chính trị-xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng, cùng vào cuộc với nỗ lực, quyết tâm cao. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần đẩy mạnh chính sách bảo hiểm tự nguyện và phải coi người tham gia BHXH như khách hàng thì mới thu hút được đông đảo người lao động tham gia; phải đổi mới công tác quản lý lao động và quỹ BHXH, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký BHXH cho người lao động... Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân thì các cơ quan chức năng cũng cần phải làm nghiêm công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra các trường hợp vi phạm, trốn đóng BHXH và kiên quyết khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Cùng với đó, trong tổ chức thực hiện cần phải quan tâm đến công tác tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ ý nghĩa an sinh của việc tham gia BHXH cũng như định hướng về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; để người dân yên tâm, chủ động tham gia BHXH.

MINH NGÂN