Dư luận gần đây cho rằng, mức phí đường bộ tại các dự án BOT trong cả nước hiện nay là khá cao, trong khi các doanh nghiệp đầu tư BOT lại cho rằng hợp lý và có văn bản đề xuất tăng phí đường bộ. Tuy nhiên, điều đó đã không được cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý, bởi thực tế phí đường bộ tại một số tuyến đường đang cao hơn chi phí giá nhiên liệu. Với áp lực từ dư luận và cơ quan quản lý Nhà nước về phí đường bộ cao thì mới đây, từ 1-8, phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã được điều chỉnh giảm 10% đối với xe tải loại 4 (có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet), xe tải loại 5 (từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Vấn đề nữa là chất lượng các dự án BOT cũng được quan tâm bởi trên một số tuyến đường cao tốc, phương tiện cơ giới thường chạy với vận tốc cao từ 80 đến 120km/h. Nếu những tuyến đường này có những chỗ chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng thì khi lưu thông với tốc độ cao các phương tiện sẽ phải đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông.

Một vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm là minh bạch trong quản lý nguồn thu tại các trạm thu phí đường bộ của các dự án BOT hiện nay. Điển hình là việc chủ đầu tư tố Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC) không minh bạch trong việc thu phí. Theo đó, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) tố  MPC không báo cáo trung thực tổng số tiền phí thu được, gây thiệt hại cho nhà nước và người dân. Trước sự việc này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chính thức tổ chức giám sát việc thu phí tại một số trạm thu phí đường bộ của các dự án BOT. Kết quả cho thấy, trung bình mỗi ngày, doanh thu thực tế cao hơn doanh thu báo cáo của các doanh nghiệp khá nhiều. Cụ thể, sau 10 ngày (từ ngày 10 đến 20-7) giám sát việc thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), Tổng cục Đường bộ phát hiện, số thu trung bình mỗi ngày chênh lệch so với số thu bình quân doanh nghiệp báo cáo gần 600 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ. Dư luận yêu cầu được làm rõ con số 600 triệu đồng chênh lệch mỗi ngày, trong thời gian dài vừa qua đang ở đâu? Ngoài việc ngân sách Nhà nước bị thất thu thì sự mất lòng tin của người dân đối với cách thức quản lý việc thu phí trên nhiều tuyến cao tốc là điều dễ hiểu.

Từ những thực tế trên cho thấy, các dự án BOT đang là vấn đề rất cần được quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính… cần có biện pháp mạnh từ khâu lập dự án, thẩm định các dự toán và triển khai giám sát quá trình tổ chức thực hiện các dự án BOT để tránh thất thoát của Nhà nước hoặc đội vốn lên, kéo dài thời gian thu phí để thu về lợi nhuận cho một nhóm lợi ích hoặc lợi ích cá nhân.

Đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bởi thế cần nhiều nguồn lực cho sự phát triển. Niềm tin của người dân cũng là một nguồn lực, nguồn lực đặc biệt quan trọng này rất cần được xây dựng, gìn giữ và không có cách gì tốt hơn đó là sự minh bạch, rõ ràng theo đúng chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, vấn đề quản lý, giám sát các công trình BOT được các đại biểu quan tâm và thảo luận. Đặc biệt, chuyên đề về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức: BOT (Xây dựng, kinh doanh, chuyển giao); BT (xây dựng, chuyển giao) và PPP (hợp tác công tư)" được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội trong năm 2017.

Đây sẽ là một kênh giám sát đặc biệt quan trọng và hiệu quả trong quản lý và minh bạch các dự án BOT.

VIỆT CƯỜNG