Theo Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm nay đạt gần 285 nghìn tỷ đồng, bằng 20,5% dự toán năm. Đáng lưu ý là trong các khoản chi thì chi đầu tư phát triển thực hiện 3 tháng mới chỉ đạt 44,16 nghìn tỷ đồng, bằng 12,4% dự toán năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi thường xuyên ước thực hiện đạt 211,2 nghìn tỷ đồng, bằng 23,6% dự toán năm và lớn gấp gần 5 lần chi đầu tư phát triển. Chi đầu tư phát triển thấp chủ yếu do nhiều bộ, ngành, địa phương chậm triển khai phân bổ dự toán chi đầu tư công năm 2017. Tình trạng “thừa tiền mà không dám tiêu” này nếu không được cải thiện sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 khó có thể đạt được theo Nghị quyết của Quốc hội. Chi thường xuyên nhiều có nguyên nhân quan trọng là bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo: Nếu tiếp tục mở rộng chi thường xuyên và không tăng chi đầu tư phát triển thì những rủi ro vĩ mô từng diễn ra trong các năm 2010-2011 có thể lặp lại. Điều đáng lo là kỷ cương ngân sách vẫn chưa được siết chặt. Trong 3 tháng đầu năm, thực hiện kiểm soát chi, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện khoảng 2.400 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết; không chấp nhận thanh toán khoảng 13 tỷ đồng. Rất tiếc là những đơn vị có các khoản chi chưa đúng ấy không được công khai, chưa được minh bạch hóa.
Trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay, các quy định về công khai, minh bạch ngân sách đã khá đầy đủ. Thực hiện đúng các quy định ấy thì ngân sách quốc gia sẽ minh bạch, niềm tin của người dân đối với hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước sẽ được củng cố. Thế nhưng, trên thực tế, ở một số nơi, ngân sách chưa được minh bạch. Có nơi công khai nhưng thông tin lại sơ sài, không đầy đủ, chỉ bằng những số liệu khô khan, thiếu trách nhiệm giải trình thì người dân không thể hiểu nổi.
Để minh bạch ngân sách, cần thực hiện nghiêm túc Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó có trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân về thu chi ngân sách. Tư tưởng không được coi ngân sách Nhà nước là “tiền chùa” cần phải được thấm nhuần trong mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, cũng cần xây dựng cơ chế bảo đảm phân bổ vốn đầu tư, phân bổ ngân sách minh bạch; giám sát chặt chẽ dòng vốn đầu tư. Đối với những cá nhân, tập thể liên quan tới việc chi ngân sách không đúng, chi vượt dự toán ngân sách, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ như vậy, kỷ cương ngân sách mới được siết chặt, các khoản chi ngân sách mới bảo đảm đúng mục đích, minh bạch và tiết kiệm, góp phần hạn chế việc bội chi ngân sách và nâng cao hiệu quả của việc sử dụng ngân sách Nhà nước.
ĐỖ PHÚ THỌ