Đồng chí cũng nêu rõ một thực tế hiện nay là ở khá nhiều nơi, 100% cá nhân được đánh giá là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng tập thể của những cá nhân đó chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở mức trung bình, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Đó cũng là vấn đề "nóng" được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trung ương, mà trực tiếp là Ban Tổ chức Trung ương đã thẳng thắn chỉ rõ: Công tác ĐGCB ở một số nơi vẫn còn hình thức, chưa phản ánh thực chất cán bộ; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong ĐGCB; còn cảm tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ; thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần xây dựng trong ĐGCB...
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017. Ảnh: TTXVN
Thực tế trên dẫn đến tác hại to lớn và hệ lụy nghiêm trọng, nhất là vô hình trung đã tạo ra môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội sinh sôi, nảy nở. Thực tế đã có không ít câu chuyện "dở khóc dở cười", khi cán bộ, công chức trước khi bị phát hiện có sai phạm, vi phạm thì được đánh giá cao về trình độ và phẩm chất đạo đức, thậm chí được khen thưởng, tôn vinh, nhưng sau đó không lâu, chính họ phải đứng trước vành móng ngựa, bị xử lý kỷ luật hoặc có những biểu hiện suy thoái, biến chất, xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Mới đây nhất, sự kiện liên quan đến những "con sâu": Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... cho thấy công tác ĐGCB là một trong các lỗ hổng, yếu kém của CTCB, cần sớm được nhận diện, khắc phục, đẩy lùi.
ĐGCB là việc khó, rất nhạy cảm vì nó ảnh hưởng đến tất cả các khâu, các bước của CTCB; có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ... ĐGCB chính xác sẽ là cơ sở cho việc quyết định bố trí, sử dụng hợp lý, tạo động lực mạnh mẽ, động viên cán bộ cống hiến sức lực, tài trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngược lại, ĐGCB không đúng, không chính xác có thể dẫn đến sử dụng cán bộ một cách tùy tiện, làm mất đi động lực phấn đấu của cá nhân và gây ra nhiều hệ lụy khác.
Để nâng cao chất lượng ĐGCB rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân; cần được triển khai bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng, nâng cao cái “tâm” và cái “tầm” của những người tham gia ĐGCB, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức của ngành tổ chức xây dựng Đảng.
Theo đó, trong điều kiện hiện nay, cần sớm triển khai một đợt đánh giá lại chính đội ngũ cán bộ làm CTCB để phân loại, kiện toàn nhân sự, đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí của những người "cầm cân nảy mực", tham mưu quyết định con người cho Đảng. Cần sớm chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém, hạn chế trong CTCB nói chung, công tác ĐGCB nói riêng nhằm chấn chỉnh, đẩy lùi tình trạng tiêu cực trong lĩnh vực này.
Quá trình ĐGCB nhất thiết phải lấy hiệu quả công tác thực tế làm thước đo chủ yếu và là tiêu chí hàng đầu. Để ĐGCB khách quan hơn, phương thức đánh giá cần được bổ sung những yếu tố định lượng (về công việc, thời gian hoàn thành, tỷ lệ xử lý tình huống thỏa đáng, những giải pháp sáng tạo trong công việc…) bằng cách xây dựng một hệ thống yêu cầu, đòi hỏi của công việc cho mỗi vị trí công chức, với các tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ, năng lực; về khối lượng công việc, quy trình xử lý; quy trình tổng hợp, báo cáo kết quả công tác định kỳ. Việc ĐGCB, công chức cần có một quá trình; kết hợp theo dõi đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ; kết hợp nhiều nguồn thông tin để đánh giá trung thực, khách quan.
Việc phát huy vai trò của quần chúng tham gia ĐGCB là hết sức cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc”. Thực tế, cán bộ lãnh đạo, quản lý mà không được nhân dân, quần chúng tín nhiệm thì khó tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị; khó làm việc có hiệu quả. Vì thế, việc huy động nhân dân đóng góp, ĐGCB là rất cần thiết, là cơ sở để đẩy lùi các hiện tượng và biểu hiện “chạy chức”, “chạy quyền”, “đi cửa sau”; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tha hóa bộ máy lãnh đạo, quản lý, dẫn đến đe dọa sự tồn vong của chế độ.
NGUYỄN TẤN TUÂN