Giá than, giá dầu tăng cao như vậy thì tất nhiên chi phí sản xuất điện và chi phí mua điện tăng là điều không thể tránh khỏi. Đáng ngại là, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng tất cả các loại hình nguồn phát của hệ thống điện quốc gia. Điều này làm nảy sinh lo ngại là điện đang chịu sức ép tăng giá trong thời gian tới.

Than đá và dầu là hai loại nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Vì thế, xu hướng tăng giá của các nhiên liệu này là tất yếu. Mặc dù đất nước ta cũng được ưu đãi khi có các mỏ than đá và dầu mỏ, nhưng cũng đang trên đà cạn kiệt. Nếu ngành năng lượng của chúng ta dựa quá lớn vào than, vào dầu thì sẽ khó tránh được những bất ổn từ những biến động của giá than, giá dầu trên thế giới. Do là nhiên liệu chiến lược nên trên thị trường quốc tế, than và dầu nằm trong nhóm mặt hàng thường xuyên bị thao túng về giá. Bên cạnh vấn đề giá thì việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện cũng gây ra nhiều rủi ro về môi trường.

 Những tấm pin mặt trời của nhà máy điện mặt trời nổi được lắp đặt trên mặt hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận). Ảnh: TTXVN.

Trong khi, than tăng giá, dầu tăng giá thì có một loại năng lượng sạch, dồi dào, lại đang có xu hướng giảm giá và công nghệ ngày càng hiệu quả hơn. Đó chính là năng lượng mặt trời. Thiên nhiên đã rất ưu ái khi đặt đất nước ta ở vùng nhiệt đới với ánh nắng mặt trời quanh năm, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung, miền Nam. Trong một lần trò chuyện, một người bạn Na Uy đã tỏ ý "ghen tỵ" vì người Việt Nam được sống trong một đất nước chan hòa ánh nắng, điều mà đất nước của anh ấy không có. “Ánh nắng mặt trời chính là biểu trưng của sự sống. Mọi hoạt động sống, quang hợp đều cần ánh nắng mặt trời. Và đặc biệt, đây là năng lượng gần như bất tận”, anh ấy diễn giải.  

Trong mấy năm qua, Chính phủ đã rất đúng đắn khi khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời. Từ sự khuyến khích của Chính phủ, nhà đầu tư hồ hởi nên nhiều nhà máy điện mặt trời được xây dựng, tập trung tại các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận. Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2030 là 15-20% và đến năm 2045 là khoảng 25-30%.

Thế nhưng, cũng thời gian qua, vẫn có những đánh giá tỏ ý xem nhẹ năng lượng mặt trời. Việc tổ chức sản xuất, truyền tải điện của chúng ta chưa khoa học, để khiến các nhà máy điện mặt trời được ra đời nhưng chưa được huy động triệt để, gây lãng phí và làm nản lòng nhà đầu tư. Đó là lỗi của mặt trời hay lỗi của chúng ta?

Chúng ta cần phải rất trân trọng những gì mà mặt trời đã ưu ái dành cho chúng ta. Ngành điện nên tiếp tục nghiên cứu những công nghệ, những giải pháp để tận dụng hiệu quả hơn năng lượng mặt trời, tăng cường tỷ lệ điện mặt trời trong tổng nguồn cung. Đồng thời, chúng ta cũng nên tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư vào nguồn năng lượng điện mặt trời, để nó phục vụ tốt hơn cho việc phát triển bền vững của đất nước.

HỒ QUANG PHƯƠNG