Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác TSQS, nên Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát sao; sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội... Đặc biệt, những năm gần đây, công tác TSQS đã có nhiều đổi mới, phù hợp với đặc thù quân sự, hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân; chất lượng “đầu vào” ngày càng được nâng cao. Hầu hết các trường quân đội có điểm chuẩn trúng tuyển ổn định ở mức cao, tương đương với các trường thuộc tốp giữa và tốp đầu của cả nước.

Thí sinh tìm hiểu thông tin về các trường quân đội. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.

Kết quả tích cực trong công tác TSQS đã góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận công tác này vẫn còn một số hạn chế, nhất là trong tuyên truyền, hướng nghiệp quân sự nhằm thu hút tài năng trẻ vào học tại các học viện, nhà trường quân đội; công tác sơ tuyển có nơi tiến hành chưa thật kỹ, dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hồ sơ nhiều lần. Tình trạng thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng bị loại do không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe chưa được khắc phục triệt để...

Để làm tốt khâu "đầu vào", Ban TSQS BQP và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hình thức, biện pháp, phù hợp với đặc điểm địa bàn trong hướng nghiệp quân sự; giúp thí sinh, gia đình nắm được thông tin liên quan đến tuyển sinh vào các trường quân đội. Các nhà trường hết sức coi trọng tuyên truyền, thu hút số thí sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh tài năng ở các trường THPT, có đủ điều kiện về chính trị, sức khỏe tham gia đăng ký xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào đào tạo, nhằm đột phá tạo nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. Ban TSQS các cấp và các học viện, nhà trường cần phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt công tác sơ tuyển, xét duyệt hồ sơ theo quy định; kiên quyết không để các trường hợp không đủ tiêu chuẩn theo quy định vào quân đội. Thực hiện được điều đó, cơ quan quân sự cấp quận, huyện cần chủ động phối hợp với địa phương tổ chức khám tuyển sức khỏe chặt chẽ, theo đúng các thông tư của liên Bộ Y tế-BQP. Trong đó, chú trọng làm tốt việc tập huấn chuyên môn, ưu tiên nhân lực, trang bị, thiết bị y tế, nhằm phục vụ tốt nhất công tác khám sức khỏe TSQS. Các nhà trường quân đội chỉ tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển và có đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các nhà trường, đơn vị, địa phương cần phối hợp thực hiện tốt chế độ cử tuyển, xét tuyển thẳng, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định; ưu tiên trong xét tuyển, cử tuyển đối với thí sinh thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Xuất phát từ yêu cầu cao và tính chất phức tạp, nhạy cảm của công tác TSQS, một trong những yêu cầu đặt ra là phải chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình tuyển sinh. Đặc biệt, sau kỳ tuyển sinh, các nhà trường quân đội phải tổ chức tốt công tác hậu kiểm kết quả tuyển sinh của thí sinh đã trúng tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của BQP, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Các nhà trường cũng cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc tự thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước BQP về chất lượng tuyển sinh của trường mình; đẩy mạnh dân chủ, công khai trong TSQS, phát huy vai trò của xã hội trong việc tham gia giám sát, góp phần nâng cao chất lượng công tác TSQS, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

NGÔ DUY ĐÔNG