Trong những ngày Tết, khi mọi người còn mải du Xuân, trẩy hội thì truyền thông đưa tin về hành động đẹp của cháu Nguyễn Thị Lan Anh, học sinh lớp 4A Trường Tiểu học Thạch Văn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Cháu Lan Anh nhặt được túi vải đựng gần 40 triệu đồng, sổ vay vốn ngân hàng và đã trả lại cho người mất. Điều đáng lưu ý là, gia cảnh của nhà cháu Lan Anh không thuộc diện khá giả nếu không muốn nói là còn nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/nguồn internet.
Cuộc sống hằng ngày quanh chúng ta thường ẩn chứa nhiều điều bất ngờ thú vị, đầy tính nhân văn. Điều này đã làm cho cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Mới đây, anh Nguyễn Văn Thanh, tài xế taxi của hãng Mai Linh được anh Patterson, du khách người Mỹ viết thư cảm ơn. Trước đó, anh Thanh đã trả lại tài sản cho Patterson để quên trên xe khi trên đường di chuyển từ Quảng Bình vào Quảng Nam. Hay câu chuyện về hành động của ông Thái, nhân viên của ga Đồng Hới trả lại tài sản cho Kristin Johnson - khách du lịch người Canada mà không nhận quà cảm ơn... Với những câu chuyện về sự thật thà, hay lòng tốt của các cá nhân kể trên đã phần nào giúp khách du lịch người nước ngoài hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam thân thiện và mến khách. Đây cũng có thể coi là một yếu tố hấp dẫn du khách khi đến Việt Nam để từ đó phát triển du lịch.

Lòng tốt là thứ tài sản quý hơn vàng luôn tiềm ẩn trong mỗi con người thông qua quá trình tiếp thu sự giáo dục nghiêm túc, khắt khe từ gia đình, nhà trường, xã hội. Nhiều nhà xã hội học cho rằng, lòng tốt của mỗi người là “lõi” hình thành nên nhân cách; là thương hiệu, uy tín với xã hội, với cộng đồng. Xã hội tốt đẹp là xã hội mà tập hợp trong đó nhiều người có lòng tốt, không ích kỷ, tham lam; biết sống vì mọi người, sẵn sàng hy sinh quyền lợi vì hạnh phúc của những người khác. Các học giả lớn từng ví, lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy, nó giống như chất nhựa để vun đắp cho văn hóa của quốc gia, dân tộc dày và đậm đặc hơn. Bởi họ cho rằng, lòng tốt có tác dụng vô cùng to lớn, có thể làm được nhiều điều, như mặt trời làm băng tan chảy, lòng tốt khiến sự hiểu nhầm, sự nghi ngờ và thù địch bốc hơi.

Hiện nay, trong quá trình phát triển, ở xã hội chúng ta có nhiều hiện tượng không đẹp đáng buồn, ngược với ý nghĩa của lòng tốt, thậm chí làm cho lòng tốt bị lu mờ. Trong rất nhiều những hiện tượng xấu hiển diện trên phương tiện thông tin, có lẽ, đáng lên án hơn cả là hiện tượng giả tạo: Con người giả tạo, cách sống giả tạo, phương pháp làm việc giả tạo... đang làm cho lòng tốt, nét đẹp văn hóa truyền thống và nhiều phẩm chất tốt đẹp khác trong xã hội của người Việt Nam lâu nay bị xói mòn và tầm thường hóa. Những việc làm xấu bị phát lộ dưới những bộ mặt giả tạo, nhân cách giả tạo có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi: Ngoài chợ, bến xe, bệnh viện, bến tàu. Nó cũng có thể hiển diện ở nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và có cả trong cơ quan hành chính công quyền của Nhà nước, những nơi được xem là “bộ mặt” của địa phương, của quốc gia.

Bác Hồ từng dạy “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Lòng tốt trong mỗi người vốn không tự nhiên có sẵn mà phải qua quá trình giáo dục từ bé đến lúc trưởng thành. Quá trình giáo dục ấy chỉ có hiệu quả khi được thử nghiệm thực tế trong xã hội.

Lòng tốt đem lại niềm vui cho một người, trong một thời điểm của em nhỏ hay lớn hơn nữa là những việc làm hy sinh quyền lợi cá nhân, đem tài năng, trí tuệ để xây dựng đất nước là việc tốt thể hiện tấm lòng thơm thảo được giáo dục kỹ lưỡng. Đó là công việc làm giàu tương lai, đáng trân trọng và quý hơn vàng.

HOÀNG LAN