Ảnh minh họa. Nguồn: Laodong.com.vn
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay Thủ tướng đề cập đến vấn đề này. Trước đó, trong nhiều cuộc họp của Chính phủ, trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tại cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp cả nước, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đối với nền kinh tế đất nước. Với thông điệp “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, Thủ tướng đã luôn quan tâm, kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Những việc làm tích cực, kịp thời ấy cho thấy, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp, đặt niềm tin, kỳ vọng vào sự chuyển động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô. 

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tại các diễn đàn vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã góp ý, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ những giải pháp duy trì sự phát triển ổn định của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm đạt mục tiêu đề ra, đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Đây là động lực, nguồn lực đặc biệt quan trọng của nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Nghị quyết 35 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và những chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ đã và đang bảo đảm cho môi trường hoạt động của doanh nghiệp ngày càng thông thoáng; giải quyết những bất cập trong cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điều kiện cần, đáp ứng lợi ích của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ổn định, bền vững, có đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế đất nước thì bản thân cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải có sự đổi mới, phát triển về tư duy kinh tế phù hợp với đòi hỏi khắt khe của môi trường Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lợi ích của doanh nghiệp phải gắn liền với lợi ích quốc gia, dân tộc. Chuyên gia quản lý chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng cho rằng, trong môi trường TPP, doanh nghiệp Việt Nam phải xác định rõ nghĩa vụ của mình đối với đất nước để có sự liên kết, phối hợp tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kiểu làm ăn manh mún, cạnh tranh không lành mạnh, mạnh ai nấy làm, chỉ lo vun vén lợi ích cục bộ, cá nhân, bất chấp thủ đoạn...  chính là con đường ngắn nhất dẫn đến thất bại. Hàng loạt doanh nghiệp vừa bị “teo tóp”, doanh nghiệp nhỏ bị “chết yểu” trong những năm vừa qua là bài học cho tính liên kết, hợp tác của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi bước ra “biển lớn”.

Để hoàn thành những mục tiêu kinh tế của năm 2016 mà Chính phủ đã đề ra quyết tâm trong Phiên họp thường kỳ tháng 7, bên cạnh những hành động quyết liệt của các thành viên Chính phủ và các bộ, ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng; đòi hỏi phải có sự vận động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp với vai trò là động lực. Nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn vượt khó, khi mỗi doanh nghiệp xác định rõ lợi ích và nghĩa vụ của mình, đồng hành với lợi ích quốc gia, dân tộc, chúng ta sẽ tạo được những guồng quay mới cho cả bộ máy vận hành đúng quỹ đạo. Hơn lúc nào hết, người dân cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 35 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giải quyết hài hòa lợi ích doanh nghiệp và đất nước, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

PHAN TÙNG SƠN