Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có một nguyên nhân được chỉ ra đó là sự "cố thủ" về lợi ích. Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam-doanh nghiệp đã cổ phần hóa-cho rằng, muốn đẩy nhanh tốc độ, nâng cao hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì mấu chốt nằm ở lãnh đạo các doanh nghiệp. Bởi khi chưa cổ phần hóa, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sẽ “khỏe” hơn, vì chỉ cần bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, không cần phải lo cổ tức cho cổ đông, sẽ yên tâm tại vị đến tuổi nghỉ hưu. Còn nếu cổ phần hóa thì tương lai của họ chưa biết thế nào, phải chờ vào quyết định của Hội đồng quản trị, rồi mọi hoạt động sẽ bị giám sát rất chặt.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/ TTXVN. 

Không chỉ thế, ngay cả các bộ, ngành, địa phương cũng có lợi ích khi doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa, bởi khi đó doanh nghiệp sẽ “dễ bảo” hơn. Do đó, không ít người được giao nhiệm vụ thực hiện cổ phần hóa đang lần khần, không muốn làm, bởi vì họ thiếu động lực.  

Tốc độ, hiệu quả của cổ phần hóa đang bị chi phối không nhỏ bởi hai yếu tố: “Lợi ích” và “động lực” của những cá nhân được giao nhiệm vụ. Lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm cũng sẽ luôn tìm cách "nhúng tay" vào quá trình cổ phần hóa. Chỉ cần một lô đất bị định giá thấp hơn giá trị thực trên thị trường, thì lập tức tài sản của Nhà nước và nhân dân sẽ bị thất thoát. Khi định giá doanh nghiệp, nếu bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì thay vì phải “đánh bóng” để cho các nhà đầu tư thấy hết được “vẻ đẹp” của doanh nghiệp, từ đó trả tiền cao hơn, thì người ta hoàn toàn có thể dìm “món hàng” xuống, cố tình để doanh nghiệp bị định giá thấp. Thế rồi, những người mua được "món hàng" ấy, thường chính là lãnh đạo doanh nghiệp, người nhà của họ, hoặc những người mang lại lợi ích cho họ.   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhìn thấy rõ những vấn đề trên, thể hiện qua kết luận tại hội nghị. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ không cổ phần hóa bằng mọi giá. Có thể hiểu, cổ phần hóa là một giải pháp quan trọng trong việc cơ cấu lại nền kinh tế. Việc cổ phần hóa được coi như cú hích để cơ cấu lại nguồn lực một cách hợp lý hơn, thu hút thêm những nguồn lực mới phục vụ quá trình phát triển, tăng hiệu quả của nền kinh tế. Yêu cầu đặt ra của quá trình cổ phần hóa là không được làm thất thoát tài sản, bảo đảm tốt lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Để đạt được điều đó, Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt như: Cán bộ có trách nhiệm mà không quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thì sẽ bị thay thế. Sẽ không định giá tài sản nhà nước một cách tù mù, mà sẽ đấu giá trên thị trường; các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa buộc phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để thị trường đánh giá. Chỉ trừ những doanh nghiệp quan trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng-an ninh, những lĩnh vực mà thị trường không làm được, còn lại tất cả các doanh nghiệp đều được xem xét để cổ phần hóa...

Nhìn rõ được những vướng mắc sẽ là cơ sở để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, nâng cao hơn nữa hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

HỒ QUANG PHƯƠNG