Đó là những việc gì vậy?

Phần nhiều trong số đó là những công trình xây dựng bị tố cáo sai phạm, những tranh chấp liên quan đến xây dựng. Cá biệt, có cả vụ việc về cái cống thoát nước của một khu tập thể bị công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một hộ gia đình bịt kín, gây ô nhiễm cho cả cộng đồng. Như thế là, có những việc chỉ vì lợi ích của cá nhân mà đã gây hại đến lợi ích của cả cộng đồng, thậm chí là ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia vì đã gây ra sự nghi ngờ của dư luận, ảnh hưởng tới niềm tin.

Tại sao những vụ việc ấy lại “phức tạp”, khó xử lý? Là vì, nó liên quan đến lợi ích trực tiếp, đan xen của những cá nhân, tập thể trong cuộc. Và có vẻ như không ai muốn lùi bước. Cũng chính bởi liên quan đến lợi ích mà người ta cố gắng phải bảo vệ bằng mọi giá, nên nhiều khi những sai phạm về pháp luật rõ rành rành, nhưng quá trình xử lý của địa phương còn bị chi phối nên không thể làm nhanh được.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước, là nơi trọng yếu cả về chính trị và kinh tế. “Hà Nội không vội được đâu”, câu khẩu ngữ lưu truyền trong dân gian tưởng như tếu táo, nhưng hóa ra rất sâu sắc và phần nào đúng với thực tế. Dường như, trong khi xử lý mỗi việc dù lớn, dù nhỏ, ở mọi cấp của thành phố Hà Nội, các cán bộ luôn phải “nhìn trước, ngó sau”, xem xét mọi khía cạnh, mọi mối quan hệ “chìm, nổi”, chằng chịt liên quan. Họ luôn phải chịu những sức ép khó có thể hình dung trước khi thực hiện nhiệm vụ. Bởi đằng sau một cá nhân, một hộ gia đình có thể là một cán bộ "tầm cỡ" nào đó.

Đất nước chúng ta đang cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển, mà trong đó, với vai trò trọng yếu của mình, Hà Nội phải ở vị trí tiên phong. Muốn thế, có hai việc cần phải thực hiện tốt: Một là phải hoàn thiện luật pháp, hai là phải cải cách hành chính. Thế nhưng, thực tế là dù luật pháp có hoàn thiện đến đâu cũng sẽ luôn có kẽ hở. Hệ thống hành chính dù có áp dụng công nghệ thông tin hiện đại tới đâu cũng vẫn cần con người ra quyết định. Vì thế, con người là yếu tố cốt lõi của việc thành, bại trong xử lý mọi việc. Mà trong đó, các vấn đề lợi ích của con người phải được xem xét, xử lý một cách hợp tình, hợp lý.

Thời kháng chiến, vì hết lòng cho sự nghiệp giải phóng đất nước, nhân dân ta sẵn sàng dỡ nhà để làm đường cho xe ra tiền tuyến: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Đó là một biểu trưng cho một lẽ sống cao đẹp, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của đất nước. Ngày nay, cuộc sống đã khác nhiều. Nhưng dù cuộc sống có đổi thay thế nào thì nhân cách, tấm lòng của con người vẫn luôn cần được đề cao. Những người có nhân cách sẽ không vì lợi ích của bản thân mình mà chà đạp lên lợi ích cộng đồng, thách thức dư luận. Những cán bộ chí công, vô tư, có đạo đức công vụ tốt sẽ luôn diễn giải, áp dụng những luật, điều luật hợp tình, hợp lý; không vì tư lợi cá nhân, không vì sức ép ngầm mà bóp méo sự việc.

Việc phức tạp có thể sẽ được đơn giản hóa nếu như nó được bóc tách lợi ích; trong đó lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia phải được đề cao. Và mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật.

HỒ QUANG PHƯƠNG