Đây là kỳ họp ấn tượng với số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều nhất từ trước đến nay và Thủ tướng Chính phủ cũng dành nhiều thời gian nhất để trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu. Lời hứa từ nghị trường đang lan tỏa ra toàn xã hội và trở thành niềm tin, đồng thời cũng là căn cứ giám sát của các cử tri.

Cử tri ghi nhận nỗ lực, các giải pháp và cam kết của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong quá trình trả lời chất vấn và mong muốn các cam kết đó sớm được chuyển hóa thành những hành động cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hô%3ḅi nói chung và các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này nói riêng, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên họp Quốc hội/ Ảnh minh họa/TTXVN.  

Thấm thoát đã một năm rưỡi trôi qua kể từ ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV. Sau 4 kỳ họp, đông đảo cử tri cảm thấy hài lòng vì những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ý chí của mình đã được các đại biểu do mình bầu ra chuyển tải đến cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Nhiều lời hứa của các đại biểu Quốc hội khi vận động tranh cử cũng đã trở thành hiện thực bằng những hành động cụ thể, xứng đáng với sự tin cậy và gửi gắm của cử tri. Tuy nhiên, cũng có lời hứa chưa thực hiện được. Có lời hứa bị lãng quên. Thậm chí có đại biểu không giữ được lời hứa phải xử lý kỷ luật.

Thực tế từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sau những phiên chất vấn tại Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều bộ, ngành đã có sự chuyển động tích cực, nhiều lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện bằng những hành động rõ ràng, hiệu quả, được cử tri nhìn thấy ngay. Điển hình là Bộ trưởng Bộ Công Thương được chất vấn tại kỳ họp thứ hai (tháng 11-2016), sau một năm đã lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn thành việc thẩm định các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; gắn phát triển thủy điện với thủy lợi; cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh; giảm nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp…

Lời hứa chỉ trở thành hiện thực khi được chuyển hóa thành những hành động tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, có những lời hứa mà chỉ có cá nhân người hứa nỗ lực hành động thì cũng không trở thành hiện thực được mà phải có sự vào cuộc, sự chuyển động của cả tập thể. Bản thân một bộ trưởng không thể đưa ra các quyết định đúng nếu không có đủ thông tin từ bộ máy giúp việc. Một mình đại biểu Quốc hội cũng không thể đi giám sát được một dự án lớn. Bởi vậy, sau lời hứa từ nghị trường phải là những chuyển động từ các đại biểu Quốc hội, các cơ quan quản lý Nhà nước, đội ngũ cán bộ công chức và hành động của đông đảo cử tri để tạo điều kiện thuận lợi cho các lời hứa đó được thực hiện, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân.

ĐỖ PHÚ THỌ