Tuy nhiên, bản luận tội của viện kiểm sát nhân dân xác định, đây thực chất là hành vi nhận hối lộ bởi các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, số tiền các bị cáo nhận rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng, bằng cả gia tài của nhiều người. “Cần nhận thức đúng để loại bỏ vấn nạn “phong bì” ra khỏi đời sống xã hội”, đại diện viện kiểm sát nhân dân nêu quan điểm.

Từ hành vi nhận tiền của các bị cáo nói trên và những vụ việc tương tự xảy ra thời gian qua cho thấy, vấn nạn “phong bì” vẫn đang tồn tại phổ biến. Đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, việc nhận “phong bì” của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ dường như đã trở thành thói quen, khiến điều không bình thường này đã trở thành bình thường trong đời sống xã hội. Nhận “phong bì” trước hoặc trong quá trình làm việc rồi hứa hẹn giải quyết thủ tục nhanh chóng; nhận sau khi hoàn thành công việc với danh nghĩa “cảm ơn”- cho dù hình thức, bối cảnh nào thì xét đến cùng cũng đều là hành vi tiêu cực, cần nhận diện rõ và đấu tranh ngăn chặn.

leftcenterrightdel

 Vấn nạn "phong bì" gây nhức nhối xã hội. Ảnh: VOV

Vậy nhưng, nhiều cán bộ, công chức không hiểu hoặc cố tình không hiểu điều này dẫn đến đánh tráo khái niệm giữa tiêu cực, nhận hối lộ và sự cảm ơn chân thành. Rõ ràng, không thể nói người dân, doanh nghiệp “cảm ơn chân thành” khi phải chi tiền, quà với giá trị lớn cho cán bộ, công chức có trách nhiệm, thẩm quyền nếu muốn công việc, thủ tục, dự án... của mình được triển khai thuận lợi!

Thái độ, hành vi nhũng nhiễu, gây khó dễ của cán bộ, công chức khiến người dân, doanh nghiệp phải “bôi trơn” là nguyên nhân chính đẻ ra vấn nạn “phong bì”. Cùng với đó, mặc dù không gợi ý, ép buộc, giải quyết công việc theo đúng quy định, nhưng có những cán bộ, công chức không vượt qua được sự cám dỗ để rồi thản nhiên nhận tiền “cảm ơn” càng khiến vấn nạn này lan tràn, phổ biến. Hậu quả là làm cho quá trình thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bị méo mó, niềm tin của người dân suy giảm, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh, sự phát triển kinh tế-xã hội... Trong nhiều trường hợp, còn đẩy cả cán bộ và người dân, doanh nghiệp vào vòng lao lý, như ở vụ án “chuyến bay giải cứu” nói trên.

Để loại bỏ vấn nạn “phong bì”, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế, pháp luật, phát huy dân chủ và sự giám sát của xã hội đến cải cách tiền lương... Nhưng có lẽ, trước hết và quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục, việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh để mỗi cán bộ, công chức luôn biết trọng danh dự, liêm sỉ, vượt qua mọi cám dỗ. Nhiều bị cáo khi đứng trước tòa mới cay đắng thừa nhận, sống trên đống tiền, tài sản có được do làm ăn phi pháp, tiêu cực, tham nhũng tưởng đủ đầy, sung sướng, nhưng không, đó là những tháng ngày lo lắng, bất an vì sợ pháp luật trừng trị, là sự khinh bỉ, coi thường của cộng đồng, dư luận... nhưng đã quá muộn để sửa chữa. Đó là bài học nhãn tiền cho những ai coi đồng tiền cao hơn danh dự-điều thiêng liêng, cao quý nhất!

PHƯƠNG HIỀN

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.